Hà Nội kết nối

Nắm bắt xu thế mới để phát triển thương mại điện tử

Diệp Hiền - Tuệ An 06/03/2024 - 14:57

Nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về mức độ tăng trưởng thương mại điện tử. Với xu thế phát triển mới, thành phố xác định tiếp tục thích nghi để phát triển trong năm 2024.

Tiểu thương chợ Bến Thành sôi nỏi tham gia bán hàng trực tuyến bằng hình thức livetream
Tiểu thương chợ Bến Thành sôi nổi tham gia bán hàng trực tuyến bằng hình thức livestream.

Hiệu quả rõ rệt

Chị Nguyễn Thụy Bảo Trân, tiểu thương sạp mứt kẹo Ngọc Châu (chợ Bến Thành) lâu nay chỉ quen bán hàng trực tiếp theo cách truyền thống. Mới đây, được tham gia phiên livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội TikTok do Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chị khá bất ngờ với kết quả đạt được.

“Chỉ trong 5 phút, Tiktoker đã giúp tôi bán được gần 80 đơn hàng với hơn 150kg mứt me, khiến tôi phải vội gọi thêm hàng để kịp giao cho khách. Số lượng này quá lớn...”, chị Bảo Trân chia sẻ.

a21.png
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương tham dự một buổi livestream bán hàng tại chợ truyền thống thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 2-2024.

Những hoạt động tương tự nêu trên đã được Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ trong năm 2023. Theo đó, thành phố đã phát triển mô hình “Chợ trực tuyến” tại 33 chợ truyền thống, phục vụ 15.072 đơn hàng, với tổng giá trị doanh thu hơn 4,97 tỷ đồng; tổ chức lễ hội không tiền mặt; triển khai kết nối cung - cầu hàng hóa online giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong cả nước…

Nhiều doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đã gặt hái nhiều kết quả khả quan với thương mại điện tử trong thời gian qua. Liên hiệp các hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) là một điển hình. Theo số liệu vừa được đơn vị công bố hôm 3-3, doanh số bán hàng trực tuyến của Saigon Co.op trong năm 2023 đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

a25a.jpg
Giao diện kênh bán hàng online trên TikTok của Saigon Co.op.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết, kết quả trên có được là do đơn vị đã đẩy mạnh việc phát triển các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử như phát triển e-voucher, thanh toán trực tuyến..., nên thu hút được đông đảo người mua tham gia. Đây cũng chính là căn cứ thực tế để Saigon Co.op đặt mục tiêu nâng doanh số bán hàng trực tuyến năm 2024 lên 3.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), những hoạt động trên đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của thành phố Hồ Chí Minh đạt 37%, cao nhất cả nước. Quy mô thị trường thương mại điện tử tại thành phố là 4,7 tỷ USD, chiếm 23% quy mô thị trường thương mại điện tử cả nước (20,5 tỷ USD).

Các nền tảng mạng xã hội đang dẫn đầu xu thế thương mại điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Metric.
Các nền tảng mạng xã hội đang dẫn đầu xu thế thương mại điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Metric.

“Đó là những kết quả mới nhất trong việc coi thương mại điện tử là 1 trong 3 chương trình đột phá mà Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra trong giai đoạn 2020-2025. Thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến hơn cả với người mua, người bán lẻ và doanh nghiệp, tiếp nối “cú hích” từ mua bán online, vốn nở rộ trong giai đoạn thành phố giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 trong các năm 2020-2021”, ông Nguyễn Minh Hùng thông tin.

Thích ứng xu hướng mới

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, thương mại điện tử trên địa bàn trong năm 2024 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với những xu hướng mới hình thành trên 4 lĩnh vực. Một là việc mua và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội tiếp tục tăng, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hai là người tiêu dùng đang được trẻ hóa; đòi hỏi chất lượng hàng hóa, dịch vụ thương mại điện tử cao hơn. Ba là giao hàng siêu tốc, thanh toán online, mua trước trả sau được yêu thích hơn. Bốn là trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phổ biến hơn để phân loại, phục vụ người dùng tốt hơn...

a26.jpg
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép tạo lập người bán hàng ảo tại một phiên livestream bán hàng cho tiểu thương thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức cuối tháng 12-2023.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là 4 thách thức mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một là lừa đảo online gia tăng, cần có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng. Hai là cần có biện pháp tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa nhà bán hàng trong nước và thương mại điện tử xuyên biên giới. Ba là có nguy cơ nhiều doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã… bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bốn là cần có công cụ hữu hiệu để thu thuế đầy đủ từ các hình thức kinh doanh thương mại điện tử.

Để thích ứng với tình hình mới, từ tham mưu của Sở Công Thương, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử triển khai đồng bộ 27 nhiệm vụ trong 4 nhóm công tác nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử, bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử.

a27.png
Nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm các trường tốp đầu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử. Đồ họa: UEL.

Cụ thể, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin, chợ truyền thống tại thành phố sẽ tiếp tục chuyển đổi phương thức bán hàng, kết hợp online và offline. Thành phố cũng khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị… áp dụng các mô hình kết hợp này.

Về quản lý, các sở, ban, ngành và cơ quan liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng công cụ thu thập hệ thống dữ liệu giao dịch thương mại điện tử: Dữ liệu kho hàng, dữ liệu nhà bán, dữ liệu giao dịch, doanh thu…; từ đó điều hướng, hỗ trợ cơ quan thuế, quản lý thị trường thực hiện chức năng quản lý hiệu quả hơn, giúp thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh và công bằng với các bên tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắm bắt xu thế mới để phát triển thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.