(HNM) - Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đến thời điểm này, hệ thống pháp luật của nước ta đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định tầm quan trọng, nên các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian rà soát, tổng hợp, báo cáo các vấn đề về thể chế cần giải quyết. Quốc hội cũng rất ủng hộ và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, những đề xuất của Chính phủ đều được giải quyết rất nhanh. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đến nay, hệ thống pháp luật của nước ta đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội...
Tỉnh Quảng Ninh đã vận dụng thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội khá hiệu quả. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn chia sẻ, tỉnh đã thuê tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch chiến lược, trên tinh thần có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, đây là yếu tố đột phá để thu hút các nguồn lực; đồng thời, chủ động đề xuất với các cơ quan trung ương cơ chế thí điểm đột phá thông qua các đề án lớn; xây dựng và vận dụng sáng tạo các hình thức hợp tác công - tư trong đầu tư hạ tầng. Nhờ đó, những năm gần đây đã huy động nguồn vốn khoảng 47 nghìn tỷ đồng, trong đó, cứ 1 đồng ngân sách đầu tư bỏ ra có thể huy động được 8-9 đồng ngoài ngân sách…
Tuy nhiên, thông qua rà soát của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, có 70 luật, 188 nghị định, 131 thông tư cần sửa đổi để kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Pháp luật về môi trường, đất đai, an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư; hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Trong khi đó, vẫn còn không ít bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức đúng mức, chưa xác định được việc đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, nên chưa đầu tư đúng tầm cho công tác này. Thực tế, có bộ chỉ phân công thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng, địa phương chỉ phân công phó chủ tịch UBND phụ trách công tác này.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, cần quy định cụ thể và đề cao nguyên tắc về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động xây dựng pháp luật; quy định các hình thức chế tài phù hợp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc không thực hiện đúng các yêu cầu phối hợp công việc.
Theo luật sư Nguyễn Hoài Sơn - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp, để phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân, doanh nghiệp phải được tham gia.
Tại hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế do Chính phủ tổ chức trực tuyến với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu.
Cùng với đó, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật. Các luật, quy định xây dựng không nên có phạm vi điều chỉnh quá rộng, đối tượng tác động quá lớn mà phải ngắn gọn, cụ thể, rõ đối tượng, dễ thực hiện, dễ điều chỉnh. Vì vậy, phải tăng cường giám sát, bởi đầu tư xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.