Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoài Đức không để nông sản dư thừa

Ánh Dương| 13/08/2021 12:23

(HNMO) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nên việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Hoài Đức bị gián đoạn. Tuy nhiên, các cấp chính quyền huyện đã có những cách làm phù hợp, kịp thời để kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ, nhờ đó Hoài Đức không có tình trạng nông sản ùn ứ, dư thừa.

Nông dân xã Song Phương (huyện Hoài Đức) thu hoạch mướp.

Chủ động phương án tiêu thụ "vựa" rau, củ, quả

Từ ngày 18-7, một số xã trên địa bàn huyện Hoài Đức như: An Khánh, An Thượng, Yên Sở... phải thực hiện phong tỏa khu vực, do có ca nhiễm Covid-19, đồng thời toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24-7 đến nay, nên việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. 

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, các xã: Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh... là những địa bàn trọng điểm sản xuất rau ăn lá các loại, đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh... Sản lượng rau, củ, quả toàn huyện đạt khoảng 50 tấn/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại huyện chỉ khoảng 35 tấn, do thực hiện giãn cách xã hội, nên mỗi ngày các xã còn khoảng 10-15 tấn rau, củ đến kỳ thu hoạch, cần tìm nơi tiêu thụ.

 Lực lượng hỗ trợ Tổ điều phối tiêu thụ nông sản xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) thu gom, kiểm tra hàng hóa trước khi đưa đi tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Trước tình trạng này, huyện đã khẩn trương xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nông dân. Đồng thời, thành lập Tổ chỉ đạo, điều phối cung - cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm cấp huyện, xã. Các tổ điều phối có trách nhiệm rà soát, tổng hợp danh sách những tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản trên địa bàn; sản lượng thu hoạch; lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ/ngày; đăng thông tin trên một số kênh thông tin của xã, thị trấn, mạng xã hội, để kết nối đầu ra cho sản phẩm; lên kế hoạch tiêu thụ nông sản từng ngày; các xã, thị trấn tổ chức điểm tiếp nhận hàng hóa để vận chuyển đi, lập các điểm bán hàng tại thôn, xóm đáp ứng nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của nhân dân...

Không còn nông sản dư thừa

Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn chia sẻ: Ngay sau khi thành lập tổ tiêu thụ nông sản, xã ký hợp đồng với 4 lái xe ô tô đã được cấp phép chuyên chở, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện và trưng dụng sân nhà văn hóa của 8 thôn làm nơi tập kết. Điểm đặc biệt ở Vân Côn là các hộ dân sau khi thu hoạch nông sản sẽ tự đóng gói, mang đến điểm tập kết. Trong mỗi túi hàng phải có một tờ giấy cam kết chất lượng hàng, ghi rõ họ tên, địa chỉ hộ sản xuất, trọng lượng... Nhờ đó, bình quân mỗi ngày, xã Vân Côn tiêu thụ từ 5-10 tấn rau, củ, quả các loại, nhưng không bị khách hàng phản ánh về chất lượng.

Bí thư Đoàn xã Vân Côn Nguyễn Thị Yến, thành viên tổ điều phối tiêu thụ nông sản xã, cho biết: Để bảo đảm giãn cách, thực hiện tốt công tác phòng dịch, trên cơ sở đơn đặt hàng, tổ điều phối thông báo đến từng thôn về số lượng và đề nghị đại diện hộ dân lần lượt mang hàng đến điểm tập kết.

 Các hộ nuôi chim cút ở xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) hằng ngày xuất bán từ 5.000 đến 10.000 quả trứng/hộ.

Anh Nguyễn Đắc Lợi ở thôn Quyết Tiến (xã Vân Côn) cho rằng, mặc dù giá bán nông sản mặt bằng chung thị trường hiện nay còn thấp, nhưng anh và các hộ dân rất yên tâm khi được chính quyền hỗ trợ kịp thời, nông sản đến kỳ thu hoạch không bị ứ đọng. 

Còn tại địa bàn xã Song Phương, nhờ thực hiện tốt kết nối tiêu thụ nông sản, đến nay "vựa" rau của xã không bị ứ đọng sản phẩm. Bà Vương Thị Sửu ở thôn 1, xã Song Phương cho biết gia đình trồng mướp ngọt, mướp đắng trên diện tích gần 5 sào, chiều 12-8, bà Sửu ra ruộng thu hoạch mướp để sáng 13-8 giao hàng theo đơn, nhưng cũng chỉ thu được hơn 40kg mướp đắng, còn mướp ngọt đã hết lứa quả.

 Mỗi túi hàng của nông dân xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) đều có giấy cam kết chất lượng hàng hóa, địa chỉ sản xuất...

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Thị Dung cho biết nguồn cung của xã hiện chỉ còn các loại mướp đắng, mướp ngọt, ngô, cà tím, cà xanh và nhãn chín sớm, riêng rau ăn lá phải nhập thêm để đáp ứng nhu cầu nhân dân.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng, các xã, thị trấn đang tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản đến thời kỳ thu hoạch tại thị trường huyện và xây dựng thêm những đầu mối thu mua ở các quận, huyện: Thanh Oai, Thanh Trì, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... Bình quân mỗi ngày, huyện tiêu thụ 15-18 tấn rau củ quả các loại, hơn 60.000 trứng chim cút, gần 30.000 trứng gà, vịt...

Đặc biệt, tại những xã có hàng nghìn hộ dân nằm trong khu vực phải phong tỏa từ ngày 18-7 đến 8-8, như An Khánh, An Thượng, nguồn cung lương thực, thực phẩm được các địa phương hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ. Những ngày này, Tổ điều phối huyện tổng hợp, đánh giá tình hình cung - cầu từng ngày và chỉ đạo sát sao các xã, thị trấn tích cực kết nối tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, hiện nay Hoài Đức không có tình trạng nông sản bị ứ đọng tại ruộng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức không để nông sản dư thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.