(HNM) - Sở hữu giọng hát trong trẻo, được ví là “họa mi của núi rừng Tây Nguyên”, với những giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, Đại tá - Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang là niềm hãnh diện của vùng đất đỏ bazan và của Thủ đô - nơi bà cống hiến phần lớn sự nghiệp. Ở tuổi 60, sống trong lòng Hà Nội, cùng với việc bền bỉ đào tạo những nghệ sĩ mới cho âm nhạc nước nhà, bà vẫn cất cao tiếng hát phục vụ công chúng.
Đưa tiếng hát từ Gia Lai về Thủ đô
Tiếp chúng tôi ở căn nhà sâu trong ngõ nhỏ thuộc phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang hào hứng kể về chuyến đi Tây Nguyên làm từ thiện và tham gia biểu diễn ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại tỉnh Đắk Lắk vừa qua. Những hồi ức đầy nắng, gió trên nương rẫy, trong buôn làng với bạn bè, người thân và âm nhạc lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười của bà.
Là người con dân tộc Gia Rai, sinh năm 1960, tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), như bao cô bé khác trong buôn làng, Rơ Chăm Phiang yêu thích những bài hát dân ca quê mình. Tiếng hát lảnh lót giữa nương rẫy ngày ấy gây chú ý với những người xung quanh. Năm 12-13 tuổi, Rơ Chăm Phiang được mời tham gia đội văn nghệ thiếu nhi của huyện Đức Cơ, sau đó được tuyển vào Đoàn văn công quân giải phóng Tây Nguyên. “Khi đó tôi bé xíu, đen nhẻm nhưng nỗ lực lắm, vì được đem tiếng hát cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân giải phóng. Nhiều khi đang biểu diễn giữa rừng thì bom đạn địch trút xuống, phải chạy tìm chỗ trú ẩn. Ngớt bom, chúng tôi lại dựng sân khấu biểu diễn tiếp…”, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang bồi hồi nhớ lại.
Sau giải phóng, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang trở thành diễn viên Đoàn văn công Quân khu 5. Đến năm 1978, bà được cử theo học hệ trung cấp tại Trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật Quân đội. Sau đó, bà tiếp tục học hệ đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đến khi tốt nghiệp, bà về công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1993, bà được cử đi đào tạo ở Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và trở về làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật Quân đội.
Trong hơn 40 năm ca hát, từ núi rừng Tây Nguyên về Thủ đô Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang ghi dấu ấn với những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên, như: “Cánh chim báo tin vui”, “Bóng cây kơ nia”, “Đi tìm bóng núi”… Bà còn được đánh giá có giọng hát thính phòng xuất sắc, sở hữu nhiều giải thưởng danh giá: Giải Ba cuộc thi hát thính phòng “Hoa cẩm chướng đỏ” tại Nga năm 1983, giải Nhất cuộc thi “Âm nhạc mùa thu” tại Triều Tiên năm 1990, danh hiệu “Giọng hát vàng” Liên hoan Giọng hát vàng Hà Nội - ASEAN năm 1996…
Cháy bỏng khát khao cống hiến
Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La, người đào tạo nhiều tài năng âm nhạc lớn của đất nước, nhận xét: “Trong hơn 50 năm giảng dạy, tôi chưa thấy ai đặc biệt như Rơ Chăm Phiang. Cô ấy có giọng hát tuyệt vời, âm vực rộng hiếm có, âm sắc đẹp, tiếp thu phương pháp thông minh, lại có đam mê, kiên trì với con đường âm nhạc thính phòng”. Không chỉ được đánh giá cao ở trong nước, Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang nhiều lần được đề nghị làm việc ở nước ngoài, nhưng bà chọn gắn bó với Hà Nội. “Tôi nghĩ rằng, ở đây tôi được phát huy tối đa khả năng, được thực hiện những ước muốn trong âm nhạc, đồng thời có thể hỗ trợ những người con Tây Nguyên như mình được học tập, phát triển với điều kiện tốt nhất”, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang bày tỏ.
Sống ở Hà Nội đã lâu, "họa mi" của núi rừng vẫn giữ nét giản dị, mộc mạc của người Tây Nguyên. Từ khi trở thành giảng viên Trường Đại học Văn hóa, nghệ thuật Quân đội, bà chuyên tâm với công việc giảng dạy, ít đứng trên sân khấu lớn. “Để có một giọng ca thành công, nhất là với dòng nhạc thính phòng, thì người học phải kiên trì hàng chục năm và người dạy phải tâm huyết, dành nhiều thời gian như thế”, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang lý giải. Niềm vui của bà là đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ tài năng cho đất nước, nổi bật như: Giàng Thị Hoa, Huyền Trang, Hoàng Hồng Ngọc… Bà cũng là người đề nghị với Ban Giám hiệu nhà trường tuyển chọn những tài năng ca hát ở Tây Nguyên về đào tạo, trong đó có những giọng ca thành danh: Y Vol, Y Garia, Ploong Thiết…
Nhưng sâu thẳm trong lòng, Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang vẫn mong muốn được đứng trên sân khấu hát thường xuyên. Tháng 10 vừa qua, bà chính thức nghỉ chế độ tại trường. Tuy vẫn tiếp tục được mời giảng dạy, nhưng bà cho biết, sẽ dành nhiều thời gian hơn để đi hát phục vụ cộng đồng. Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang cũng ấp ủ thực hiện một chương trình riêng ghi dấu chặng đường hơn 40 năm ca hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội và trên quê hương Gia Lai, đồng thời ra mắt album những bài hát Tây Nguyên và bài hát thính phòng hay nhất của mình.
Là thành viên Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Nghệ sĩ nhân dân Rơ Chăm Phiang rất vinh dự và coi đây là động lực để bà thêm say mê cống hiến cho nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.