(HNM) - Nhận sứ mệnh hòa giải do Mỹ và Saudi Arabia ủy thác, ngày 14-10, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã thăm Iran để làm trung gian hòa giải căng thẳng đang leo thang tại vùng Vịnh.
Chuyến thăm của Thủ tướng Imran Khan là một phần trong sáng kiến "thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực". Sở dĩ nhà lãnh đạo Pakistan được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này là bởi Islamabad giữ vai trò đặc biệt trong mối quan hệ giữa các quốc gia Hồi giáo. Với Saudi Arabia, Pakistan không chỉ là đối tác chiến lược trong lĩnh vực kinh tế mà còn có quân đồn trú tại Saudi Arabia để đào tạo các lực lượng vũ trang địa phương.
Trong khi đó, Iran luôn được coi là một “người bạn hàng xóm, láng giềng tốt” của Pakistan. Vì thế, Islamabad luôn giữ thái độ trung lập khi không tham gia liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân Houthi tại Yemen.
Chuyến đi của ông Imran Khan diễn ra trong bối cảnh sức nóng tại vùng Vịnh liên tục gia tăng sau loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu đi qua hải trình quan trọng ở Eo biển Hormuz, cũng như vào các cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia. Mỹ cáo buộc Iran tấn công các tàu bằng mìn và đứng sau các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở lọc dầu. Trong khi đó, Tehran phủ nhận mọi trách nhiệm. Vụ việc đã khiến nguồn cung dầu của thế giới bị gián đoạn, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua, khiến Mỹ và Saudi Arabia phải mở các kho dự trữ dầu chiến lược để ổn định nguồn cung.
Căng thẳng giữa Iran, Saudi Arabia và Mỹ leo thang đến mức đáng lo ngại. Song, các bên đều không muốn một cuộc xung đột xảy ra, bởi hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực và thế giới. Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng là thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Chiến tranh giữa nước này với Iran có thể khiến giá dầu tăng cao kỷ lục, trở lại ngưỡng 100 USD/thùng, thậm chí vượt qua mức 130-140 USD/ thùng.
Ngoài ra, xung đột với Iran sẽ khiến tình hình nhanh chóng leo thang thành chiến tranh toàn diện khắp Trung Đông, bên cạnh các cuộc chiến ở Yemen và Syria hiện nay. An ninh khu vực bị xói mòn, hàng triệu người sẽ chịu thương vong hoặc mất nhà cửa và phải tị nạn. Đời sống của người dân trong khu vực sẽ xuống cấp trầm trọng.
Theo các nhà bình luận quốc tế, nhiệm vụ của Thủ tướng Imran Khan không hề dễ dàng khi Mỹ vừa tuyên bố ý định tăng cường gần 3.000 quân và khí tài quân sự tới Saudi Arabia - điều mà Iran không hề mong muốn. Trong các cuộc hội đàm giữa ông Imran Khan với nhà lãnh đạo Iran, Thủ lĩnh tinh thần, Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani, hai bên đều khẳng định, điểm mấu chốt có thể hóa giải căng thẳng là Mỹ quay lại Thỏa thuận hạt nhân 2015 và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.
Song song với chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan tới Iran, thế giới cũng đang hướng hy vọng về chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Saudi Arabia vào ngày 14-10. Hiện tại, Mátxcơva đang có mối quan hệ tốt với cả Iran lẫn thế giới Arab, do đó nước này có thể cùng với Pakistan sắm vai người hòa giải cho những bất đồng đang làm sôi sục vùng Vịnh.
Trước đó, Nga cũng đã “hiến kế” lên Đại hội đồng Liên hợp quốc để hóa giải những gì đang diễn ra tại Vịnh Ba Tư. Trong đó, đáng chú ý có đề xuất về việc khởi động quá trình tạo ra một hệ thống an ninh tập thể thông qua các cuộc tham vấn song phương và đa phương giữa các bên liên quan, bao gồm Liên hợp quốc, Liên minh các quốc gia Arab, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với nỗ lực của cả hai nhà lãnh đạo Pakistan và Nga, dù căng thẳng tại vùng Vịnh chưa thể giảm ngay trong một sớm một chiều, nhưng ngòi nổ chiến tranh có thể sẽ được hóa giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.