(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang hình thành nhiều vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó, nhãn chín muộn của Hà Nội đã được xuất khẩu tới Australia, Malaysia, Mỹ…, mở ra hướng làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, do diện tích còn manh mún, nhiều nơi chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái, tiêu thụ trong nước. Vậy, đâu là giải pháp để hình thành những vùng cây ăn quả theo hướng hàng hóa chất lượng cao để có thể xuất khẩu?
Hiệu quả kinh tế đã rõ
Là một trong những vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao của thành phố, huyện Chương Mỹ hiện có gần 600ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là xã Nam Phương Tiến với diện tích lên tới 150ha. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ loài cây đặc sản này. Ông Phùng Văn Hà ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: Gia đình có 4,5ha trồng bưởi, với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch, năng suất đạt 150 quả/cây, chất lượng tốt và đồng đều. Với giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/quả, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình thu về gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi.
Tương tự tại huyện Đan Phượng cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với trồng cà phê của gia đình ông Phùng Văn Giáo ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ngoài 2ha trồng cây cà phê, trang trại còn có 1,4ha trồng các loại cây ăn quả như: Cam Canh, cam Vinh, chanh đào,… Sản lượng quả đạt từ 15 đến 20 tấn/năm, cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm.
Một trong những yếu tố cơ bản để cây ăn quả của Hà Nội mang lại hiệu quả kinh tế cao là nông dân không chỉ có kinh nghiệm thâm canh mà còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học. Đánh giá về việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Hiện diện tích trồng cây ăn quả của thành phố vào khoảng 17.000ha với các loại cây chính là bưởi, cam, nhãn, chuối; còn lại là táo, đu đủ, hồng xiêm, vải, xoài… Đặc biệt, Hà Nội đã có 924,5ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố), trong đó 634ha ứng dụng giống chất lượng cao, 372ha chuối ứng dụng công nghệ cao...
Để nâng cao giá trị sản phẩm, thành phố đã xây dựng được 12 nhãn hiệu cây ăn quả tập thể như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở (Hoài Đức), cam Canh Kim An (Thanh Oai)... Qua đó, hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây ăn quả đã được nâng cao như: Bưởi Diễn đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm, cam Canh đạt 700-800 triệu đồng/ ha/năm, nhãn chín muộn đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm...
Vẫn còn nhiều khó khăn
Hà Nội đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả, nhưng quy mô diện tích còn nhỏ, sản xuất manh mún dẫn đến những khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa): Trồng cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật thâm canh, trong khi đó nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc đi học hỏi ở một số địa phương khác nên năng suất chưa cao.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến cùng một loại quả nhưng chất lượng lại khác nhau. Trong khi đó, việc quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn bất cập. Mặt khác, các địa phương cũng chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây ăn quả để truy xuất nguồn gốc xuất xứ…, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Để các vùng trồng cây ăn quả phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm năng hướng đến mục tiêu, năm 2020 Hà Nội sẽ có 1.384ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; đồng thời khuyến khích phát triển các vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường kỹ tính (Mỹ, châu Âu...), Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho rằng: Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý với một số loại cây ăn quả đặc sản (cam, bưởi, nhãn...). Thông tin về tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể và hỗ trợ các huyện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị cho cây ăn quả, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trái cây của các địa phương. Cùng với đó, tăng cường tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại cho sản phẩm trái cây để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường…
Hà Nội có nhiều tiềm năng, nhưng để hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, các ngành chức năng cần tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, từng bước tạo ra những sản phẩm trái cây có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.