Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ trồng chuối chất lượng cao

Đỗ Minh| 28/06/2017 06:27

(HNM) - Chuối, một trong 4 loại cây ăn quả được ngành Nông nghiệp Hà Nội lựa chọn là cây ăn quả đặc sản chủ lực cần được mở rộng. Đây là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, phù hợp phát triển tại các vùng đất bãi của Hà Nội.

Mô hình chuối tiêu hồng xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ.


Vài năm trở lại đây, cây chuối trở thành nguồn kinh tế chủ lực của xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ). Cây trồng này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ổn định thu nhập mà còn cho lợi nhuận cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Chủ tịch UBND xã Vân Nam Đặng Việt Hùng cho biết: Trước đây, nông dân xã Vân Nam trồng nhiều loại chuối nhưng năng suất, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Cách đây 5 năm, được sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ của ngành Nông nghiệp Hà Nội, xã Vân Nam chuyển sang trồng giống chuối tiêu hồng và chuối tây Thái Lan. Đến nay, toàn xã có trên 70ha chuyên trồng chuối tại vùng đất bãi, bình quân mỗi héc ta cho thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/năm. Năm qua, giá trị thu nhập từ trồng cây chuối toàn xã đạt 26 tỷ đồng. Sản phẩm chuối Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể.

Tương tự, nông dân xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) cũng làm giàu từ mô hình trồng chuối chất lượng cao. Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Bi Đỗ Văn Thưởng cho biết: Trong số 50ha đất bãi chuyên trồng màu của xã, đến nay nông dân Cổ Bi đã chuyển đổi khoảng 30ha sang trồng chuối tiêu hồng. Cây chuối đã trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa và hoa màu. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, toàn bộ quy trình trồng chuối ở xã Cổ Bi theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn thành phố có hơn 3.176ha chuyên canh tập trung trồng cây chuối ở vùng đất bãi thuộc các huyện Thường Tín, Mê Linh, Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ… với sản lượng chuối bình quân đạt gần 70.450 tấn/năm. Cây chuối là một trong 4 cây trồng chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội được ngành Nông nghiệp tập trung triển khai.

Để hỗ trợ nông dân ngoại thành mở rộng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, trong 6 năm qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai 52 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chuối với hơn 2.800 lượt nông dân tham gia; đồng thời, mở rộng 420ha trồng chuối nuôi cấy mô. Nhờ hỗ trợ giống, kỹ thuật, các mô hình trồng chuối trên địa bàn thành phố cho năng suất, chất lượng cao. Mục tiêu, đến năm 2020, Hà Nội mở rộng khoảng 4.000ha trồng chuối chất lượng cao.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho rằng: Ngành Nông nghiệp đã xác định từ 2 đến 3 giống chuối hiệu quả kinh tế cao để đưa vào trồng. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô...

Cũng theo bà Hoàng Thị Hòa, để mô hình trồng chuối chất lượng cao phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi sản xuất khép kín nhằm ổn định đầu ra cho nông dân. Hiện, sản phẩm chuối của Hà Nội đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng khâu tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Vì thế, về phía địa phương có thế mạnh trồng chuối cần tuân thủ đúng quy hoạch vùng và mở rộng theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng phá rào quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm khó tiêu thụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ trồng chuối chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.