(HNM) - Thông qua nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, hoạt động khuyến nông đã đưa đến cho nông dân ngoại thành Hà Nội nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất cũ.
Năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) triển khai mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học với quy mô 2ha. Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Ba Vì Trần Đức Tĩnh: Xã Vạn Thắng có nhiều hộ nuôi trồng thủy sản nhưng chủ yếu là phát triển tự phát, chưa tập trung ứng dụng khoa học vào sản xuất. Vì vậy, Trạm Khuyến nông huyện đã vận động các hộ dân tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Novit thả ghép với giống cá chép V1 theo hướng an toàn sinh học. Đây là giống cá có ưu thế về khả năng thích ứng cao và tăng trọng nhanh. Việc cho cá ăn từng giai đoạn, xử lý môi trường, phòng bệnh được thực hiện theo quy trình có sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Tham gia mô hình trên, anh Dương Văn Luận cho biết: Nuôi thủy sản an toàn sinh học phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình từ xử lý nước, thức ăn đến phòng bệnh nên tỷ lệ cá sống cao, đạt 83%. Dự kiến đến khi thu hoạch trọng lượng cá bình quân có thể đạt hơn 0,8kg/con. Trừ chi phí, mỗi hộ nuôi thủy sản lãi hơn 70 triệu đồng...
Tận dụng mặt nước ao hồ, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai đã lựa chọn mô hình nuôi cá chép giòn. Mô hình này cũng được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ triển khai trên quy mô 2.000m2. Tham gia mô hình, hộ nuôi thủy sản được hỗ trợ 100% cá giống tương ứng với 300 con (bình quân 2kg/con) và 30% chi phí thức ăn. Kết quả, sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân từ 3 đến 3,5kg/con, tỷ lệ sống đạt 99%. Với phương thức nuôi mới, sử dụng 100% đậu tằm làm thức ăn nên thịt cá chép nuôi ở xã Tuyết Nghĩa dai, giòn, được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Hiện tại giá bán 1kg cá chép giòn tại ao là 150.000 đồng/kg, cao hơn phương pháp nuôi thông thường từ 2,5 đến 3 lần. Mô hình này đã giúp nông dân xã Tuyết Nghĩa thu lợi nhuận 40 triệu đồng/2.000m2 ao nuôi.
Từ thực tế của địa phương, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, thông qua các mô hình, hoạt động khuyến nông không những đưa đến cho nông dân huyện nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới mà còn được tiếp cận, tập huấn khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ. Đáng nói, nhờ hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, huyện Mỹ Đức đã triển khai nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng khoai tây vụ đông gắn với tiêu thụ sản phẩm, trồng hoa ly giống vụ đông, chăn nuôi gà Ai Cập và bò sinh sản... Từ đó, nông dân huyện Mỹ Đức đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất trên quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi về hoạt động của đơn vị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Hầu hết các mô hình khuyến nông đều dựa trên cơ sở khoa học công nghệ và tiêu chí chất lượng sản phẩm làm tiền đề để triển khai theo đúng tinh thần của thành phố là xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, Trung tâm đã triển khai 22 dạng mô hình, trong đó: Trồng trọt, cơ giới hóa có 15 dạng mô hình; chăn nuôi 4 dạng mô hình; thủy sản 3 dạng mô hình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.