Năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, các mô hình này không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, mà còn giúp nông dân sản xuất theo hình thức liên kết, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương về vấn đề này.
- Các mô hình khuyến nông đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, mang lại giá trị cao. Trong năm 2023, các mô hình này được triển khai như thế nào, thưa bà?
- Năm 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện 18 mô hình khuyến nông tại 79 điểm với sự tham gia của 804 hộ, hợp tác xã. Trong đó, khuyến nông trồng trọt có 10 mô hình, 644 hộ và hợp tác xã tham gia thực hiện, quy mô 185,5ha đối với các loại cây trồng và 250 tấn nguyên liệu đối với sản xuất nấm ăn. Khuyến nông chăn nuôi có 5 mô hình, 124 hộ tham gia thực hiện, quy mô 31.050 con vật nuôi; khuyến nông thủy sản có 3 mô hình, 36 hộ tham gia thực hiện, quy mô 39ha diện tích mặt nước.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai mô hình theo sát mùa vụ, bảo đảm đủ quy mô theo kế hoạch; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư đủ tiêu chuẩn, số lượng; chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế sản xuất, điều kiện khác nhau của từng điểm mô hình. Các mô hình được triển khai cơ bản theo đúng tiến độ, đã và đang cho kết quả tốt, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Có thể thấy, các mô hình khuyến nông hiện nay không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, mà còn cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng, thông tin, giúp người dân tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhận thức về ứng dụng khoa học, kỹ thuật của nông dân có nhiều chuyển biến rõ nét, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi.
- Bà có thể cho biết, trung tâm đã tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng cho nông dân như thế nào?
- Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức 10 lớp tập huấn xây dựng chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, mỗi lớp có 30 học viên tham gia là nông dân, chủ nhiệm hợp tác xã, cán bộ khuyến nông của các huyện. Qua đó, nâng cao kiến thức cũng như thu hút, kết nối được cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thành công chuỗi giá trị nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức được 100 lớp tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp theo thời vụ cho gần 7.000 nông dân, khuyến nông viên cơ sở trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Từ các lớp tập huấn này, trung tâm đã giới thiệu, hướng dẫn về tiến bộ khoa học mới cho nông dân, khuyến nông viên để áp dụng trong sản xuất tại địa phương. Đồng thời, trung tâm tổ chức 15 lớp tập huấn về tiến bộ khoa học, kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện, với sự tham gia của 500 học viên là nông dân sản xuất, chủ trang trại, khuyến nông viên, các hợp tác xã nông nghiệp... Các lớp tập huấn đã trang bị cho học viên kiến thức kỹ thuật và kỹ năng thực hành về sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế ở địa phương...
- Để nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình khuyến nông, trong thời gian tới, trung tâm sẽ có những giải pháp gì, thưa bà?
- Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song quy mô của hầu hết các mô hình khuyến nông còn nhỏ, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp chưa phổ biến, mới chỉ tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế nhất định…
Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã quan tâm triển khai công tác khuyến nông ở cơ sở với nhiều hình thức, hoạt động, như: Tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm... Mục tiêu của chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn là để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị kinh tế từ 10-20% so với ngoài mô hình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản thiết yếu, phát triển liên kết chuỗi; từng bước mở rộng các mô hình áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới nền nông nghiệp đô thị, kết hợp với du lịch sinh thái, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tập huấn cho hơn 14.000 lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.