(HNM) - Nhằm kích cầu mua sắm, nhiều hãng thời trang, siêu thị điện máy, trung tâm thương mại... trên địa bàn Hà Nội liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Nhưng, bên cạnh đó cũng có không ít cửa hàng lợi dụng khuyến mãi để móc túi người tiêu dùng (NTD).
Dạo qua các tuyến phố Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Kim Mã… các cửa hàng thời trang đua nhau treo băng rôn quảng cáo giảm giá sốc 50-70%, mua 1 tặng 1... thu hút khá đông khách mua, nhất là các bạn học sinh, sinh viên. Trong đó, mặt hàng được giảm giá nhiều nhất vẫn là áo phông nam, nữ, sơ mi nam, quần jeans, váy... với nhiều mức giá 30.000-400.000 đồng/sản phẩm (tùy thương hiệu). Trên phố Chùa Bộc, Hãng thời trang Blue Exchange đưa ra danh sách giảm giá "Chào mùa hè" với các sản phẩm quần áo được làm từ chất liệu cotton, giá khoảng 30.000-100.000 đồng/ sản phẩm. Hàng được chất đống, khách hàng mua tự bới chọn. Mới đây, hệ thống cửa hàng thời trang Ninomax đã thu hút rất đông các bạn trẻ đến mua sắm với mức giảm giá đến 80% cho các mặt hàng áo phông, sơ mi. Theo một nhân viên Ninomax, việc giảm giá này để thanh lý hết hàng cũ, chuẩn bị cho đợt sản phẩm mới của công ty. Trong khi đó, tại một số trung tâm thương mại lớn, các thương hiệu lớn đua nhau khuyến mãi cho nhiều mặt hàng thời trang hè, giảm giá đến 50% cùng nhiều quà tặng: Hãng thời trang cao cấp Giovanni mua 3 áo tặng 1 áo; thời trang nam Việt Tiến giảm giá 20% với sản phẩm San Sciaro-Manhattan; thời trang Yshion áp dụng chương trình mua 1 tặng 1… Không chỉ hàng thời trang, các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, cửa hàng điện tử, điện lạnh cũng khuyến mãi rầm rộ.
Không thể phủ nhận hiệu quả của việc khuyến mãi, giảm giá là cả NTD và nhà sản xuất đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm bán hàng có uy tín, không ít nơi đã tận dụng việc giảm giá, khuyến mãi như một chiêu để móc túi khách hàng hoặc trà trộn hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ. Qua khảo sát, nhiều hàng giảm giá tại một số cửa hàng thời trang là hàng không rõ xuất xứ, với mẫu mã, màu sắc phong phú, nhưng xem kỹ sản phẩm thì dễ nhận thấy đường khâu, cúc áo, họa tiết trang trí được làm rất cẩu thả. Thậm chí, nhiều món hàng chất đống, không có nhãn mác nên khách hàng khó có thể phân biệt được hàng mới hay đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng còn "đội" giá lên trước khi treo biển giảm giá 50-70% để lừa gạt khách hàng. Có nơi còn lấy lòng tin của NTD bằng cách trưng biển "thanh lý toàn bộ cửa hàng" hoặc "xả hàng để trả mặt bằng"...
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khó có thể kiểm tra, kiểm soát được hết các hoạt động khuyến mãi vì số lượng DN tham gia rất lớn. Hơn nữa, phạm vi, hình thức khuyến mãi trên thực tế lại rất đa dạng, trong khi lực lượng cán bộ quản lý còn thiếu và quy định về quản lý lại chưa rõ ràng. Vì vậy, để tránh tình trạng "tiền mất, tật mang", NTD nên đến những cửa hàng, trung tâm uy tín, đồng thời xem kỹ thông tin về sản phẩm trước khi lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.