Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình khắc nghiệt

Quỳnh Dương| 01/05/2017 06:24

(HNM) - Trong một động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết trước thềm tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của EU vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu lục đã nhất trí thông qua bộ khung các nguyên tắc.

Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của EU với chủ đề chính về Brexit vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ).


Theo các nhà phân tích, thủ tục để hoàn tất "cuộc ly hôn thế kỷ" này sẽ không hề dễ dàng. Sau khi nước Anh tuyên bố sẽ triển khai kịch bản Brexit cứng, tức rời khỏi cả thị trường chung Châu Âu và Liên minh Thuế quan, EU cũng đã bày tỏ lập trường cứng rắn hơn về chiến lược đàm phán với Anh. Theo kế hoạch mới nhất, ưu tiên số 1 của EU là bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho 3 triệu công dân của khối đang sống tại Anh và hơn 1 triệu người Anh sống tại EU.

Về vấn đề này, Ủy ban Châu Âu đã chuẩn bị một danh sách chi tiết và cụ thể các quyền mà EU muốn bảo vệ công dân của mình. Dựa trên danh sách này, EU sẽ yêu cầu Anh cung cấp cơ chế cư trú lâu dài cho công dân EU đối với những người đã có khoảng thời gian cư trú 5 năm tại xứ Sương mù. Vấn đề này là một thách thức lớn khi chính phủ bảo thủ của Thủ tướng T.May đặt mục tiêu theo đuổi chính sách giới hạn nhập cư.

Bên cạnh đó, 27 thành viên còn lại của EU sẽ tìm cách buộc Anh phải tuân thủ nghĩa vụ thanh toán các khoản chi phí bồi thường và cam kết về ngân sách đến ngày chính thức chia tay EU. Con số này vào khoảng 50-60 tỷ euro. Bản kế hoạch đàm phán của liên minh cũng khuyến nghị ngành công nghiệp tài chính có ảnh hưởng của Anh không còn phải ràng buộc với bất kỳ thỏa thuận thương mại tương lai nào với EU, theo đó buộc London phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của khối nếu muốn dễ dàng tiếp cận các thị trường của khối. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng khẳng định sẽ chỉ thảo luận về quan hệ thương mại trong tương lai với Anh sau khi London đồng ý các điều khoản về các quyền công dân cũng như chi phí Brexit.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh T.May mong muốn thực hiện song song cả 2 nội dung: Brexit và các thỏa thuận thương mại mới. Với nhiều điểm bất đồng như vậy nên dù đàm phán chính thức về Brexit đến tháng 6 mới diễn ra, song các bên liên quan đã không ít lần "lời qua tiếng lại". Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, Anh không nên ảo tưởng về tiến trình "ly hôn" và sẽ chỉ mất thời gian đàm phán vì Anh sẽ không có nhiều quyền hơn hay thậm chí không thể ngang bằng so với các nước thành viên khác. Lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất EU khẳng định, cuộc đàm phán Brexit chắc chắn sẽ rất khắc nghiệt.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Đức, Wolfgang Schaeuble tuyên bố sẽ không có gì dễ dàng với nước Anh ở phía trước. Ông nhấn mạnh, EU không muốn nước Anh suy yếu, nhưng cũng không muốn phần còn lại của Châu Âu suy yếu sau Brexit. Phản ứng với những động thái phát đi từ Berlin, Thủ tướng Anh T.May cáo buộc 27 nước EU hợp lực chống lại Anh và dự báo các cuộc đàm phán Brexit sẽ rất khó khăn vì các đối tác cũ đang "bày thế trận" trước xứ sở Sương mù. "Bà đầm thép" nước Anh cũng không ngần ngại cáo buộc cách tiếp cận này của EU chỉ gây ra bất ổn và bất trắc, đặt ra nguy cơ nghiêm trọng cho nền kinh tế Anh với những mức thuế cao, việc làm ít, nợ nhiều hơn.

Trước các cuộc đàm phán mang tính quyết định hướng đi trong tương lai của Anh và EU, bên nào cũng muốn bảo đảm lợi ích của mình. Thế nhưng rõ ràng dù muốn hay không, Brexit sẽ để lại những tác động không nhỏ cho cả hai phía. Để giảm thiểu tổn thất trong tương lai và tránh tình trạng ra về trắng tay sau các cuộc đàm phán, cách tốt nhất là nhanh chóng xây dựng những thỏa hiệp chung vì những mục đích tốt đẹp cho cả Anh và EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình khắc nghiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.