(HNM) - Chiều 11-6, anh Hải ở phường Cát Linh (quận Đống Đa) đến nhà một người bạn trên đường Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân) chơi. Lúc ra về, anh để ý chiếc biển đã cũ ở nhà đối diện với dòng chữ: “Hàng xóm ơi, không để rác ở đây”.
Tấm biển đó khiến anh Hải suy nghĩ rất nhiều. Kể với Người Xây Dựng, anh cho biết, thường xuyên bắt gặp trên đường phố những câu nặng nề như: “Người có văn hóa không để rác ở đây”, “Để rác ở đây phạt 100 nghìn đồng”, “Có học hay không mà vứt rác bậy bạ?”, “Đã là người văn minh thì phải vứt rác đúng nơi quy định”… Thế nên, khi nhìn tấm biển ấy, tự nhiên lòng anh thấy nhẹ nhàng, vui vui.
Theo người bạn của anh Hải, trước đây có rất nhiều túi rác vô chủ được đem đến chỗ này. Nhưng từ khi có tấm biển với lời nhắc nhở khéo léo ấy, tuyệt nhiên không còn thấy rác sau mỗi sáng thức dậy nữa. Hóa ra, một tấm biển giản dị lại có sức thuyết phục đến vậy.
“Hàng xóm ơi”, nghe nhẹ nhàng mà thấm thía. Nếu đã là hàng xóm thân thiết thì sao có thể đem rác ký gửi ở cửa nhà nhau? - Anh Hải nói.
Thực tế, đâu đó vẫn có chuyện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xả rác bừa bãi. Dù người ta nặng lời với nhau nhưng dường như chuyện sạch nhà, bẩn ngõ vẫn diễn ra.
Người Xây Dựng nghĩ, muốn xây dựng văn minh đô thị một cách bền vững hẳn phải bắt đầu từ những điều nhỏ. Đặc biệt, chắc chắn không thể thiếu sự tôn trọng giữa người với người dù đơn giản chỉ là nhắc nhở nhau trong việc vứt rác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.