(HNM) - Khủng hoảng chính trị tại quốc gia dầu mỏ Libya và các nước Trung Đông đã khiến các hãng hàng không trên thế giới phải tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu, thường chiếm 30% chi phí điều hành.
Các hãng hàng không trên thế giới đang chịu sức ép lớn do giá dầu tăng. |
Từ đầu năm 2011 đến nay, các hãng hàng không Mỹ đã tăng giá vé 6 lần, trong khi năm 2010 chỉ tăng 4 lần. Tính trung bình, người đi máy bay tại Mỹ trả giá đắt hơn năm ngoái khoảng 100 USD cho những chuyến khứ hồi trong nước. Nhiều hãng hàng không Mỹ tăng giá vé từ 360 đến 400 USD cho các chuyến bay đi châu Âu. Các hãng hàng không của Trung Quốc, Anh và Canada cũng rục rịch tăng giá vé mà họ gọi là phụ phí nhiên liệu. Ông Giovanni Bisignani, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã lên tiếng cảnh báo với các hãng hàng không: Tăng giá vé không phải là "tấm đệm" để giữ thăng bằng cho nền kinh tế khi mà những cú sốc về giá dầu có thể bất ngờ xảy ra.
Biến động giá nhiên liệu sẽ là một trong những thách thức lớn nhất buộc các hãng hàng không phải có giải pháp phù hợp nếu muốn duy trì đà phục hồi tăng trưởng và tiếp tục có lãi trong năm 2011. Tổng Giám đốc Giovanni Bisignani nhận xét tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không năm 2010 vẫn còn khiêm tốn, chỉ đạt 2,7%. Ông cho rằng 2011 sẽ là năm thứ hai liên tiếp ngành hàng không thế giới tiếp tục có lãi, nhưng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là biến động giá nhiên liệu. Mặc dù dự kiến số hành khách sẽ tăng 5,6% và lượng hàng hóa tăng 6% trong năm 2011, nhưng giá dầu sẽ là sức ép lớn đối với lợi nhuận của ngành hàng không. Các hãng hàng không thế giới được dự báo sẽ có lãi tổng cộng 9,1 tỷ USD năm 2011 nếu giá dầu chỉ ở mức 84 USD/thùng, nhưng giá dầu hiện nay đang dao động ở mức trên 100 USD/thùng. IATA cũng cho biết chi phí nguyên liệu đã tăng lên 40% so với ban đầu. Đây là lý do nhiều hãng hàng không đã phải từ chối nhận các đơn hàng lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu.
Trong khi đó, đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã phạt 21 hãng hàng không với số tiền kỷ lục lên tới 1,7 tỷ USD do những sai phạm liên quan đến việc ấn định giá vé và cước vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, 19 giám đốc điều hành các hãng hàng không này cũng bị buộc tội làm sai trái, trong đó có 4 người đã phải vào tù. Đây được coi là một trong những vụ án chống độc quyền hình sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong số những hãng hàng không bị phạt nói trên có một số hãng nổi tiếng thế giới như British Airways, Korean Air và Air France-KLM... Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ, các giám đốc điều hành của những hãng hàng không này đã bắt tay với nhau, xây dựng một cơ chế ấn định giá cả từ năm 2000 đến 2006. Điều này khiến cho giá vé và các khoản phụ thu nhiên liệu hàng hóa tăng lên, làm các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại hàng trăm triệu USD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.