Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế ''tác dụng ngược'' của xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình

Mai Hữu| 27/05/2022 15:07

(HNMO) - Chiều 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình.

Bổ sung quy định các hành vi bạo lực gia đình mới

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng bạo lực gia đình gia tăng trong những năm qua là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định “Các hành vi bạo lực gia đình” mới gồm: Bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người khuyết tật, người bị bệnh không có khả năng tự chăm sóc; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới...

Dự thảo luật cũng quy định về tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; cá nhân, cơ quan, tổ chức tiến hành hòa giải, các loại hình hòa giải; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình…

Đồng thời, quy định về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình; xử lý, xác minh tin báo, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình; sử dụng thiết bị hỗ trợ để xác định vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Đề nghị bổ sung biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”

Báo cáo thẩm tra về dự án luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để các hành vi bạo lực gia đình phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

Về biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình, Ủy ban Xã hội nhận thấy, đây là một trong các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định chỉ khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Công an cấp xã mới có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc gia đình.

“Ủy ban Xã hội thấy rằng, để mang tính răn đe cao, nên quy định theo hướng khi nhận được tin báo tố giác về bạo lực gia đình thì công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình phải đến trụ sở công an cấp xã để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói.

Về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã hoặc theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, Ủy ban Xã hội đề nghị, cơ quan soạn thảo quan tâm về khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…; bổ sung quy định để bảo đảm quyền chọn chỗ ở của người bị bạo lực gia đình được thực hiện và quy định giao công an cấp xã hỗ trợ việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc...

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và thực tiễn giám sát của Ủy ban Xã hội cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao, trong một số trường hợp có tác động ngược (ví dụ biện pháp phạt tiền người có hành vi bạo lực gia đình, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực gia đình phải lấy tiền của gia đình để nộp tiền phạt), đòi hỏi có những biện pháp phù hợp, có tính răn đe, giáo dục. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật biện pháp “thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế ''tác dụng ngược'' của xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.