Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai cú giải cứu liên tiếp của Nhật Bản

Đình Hiệp| 04/12/2012 06:35

(HNM) - Sau hơn một tháng tung ra gói kích thích kinh tế lần thứ nhất trong năm tài khóa 2012 - trị giá hơn 5,3 tỷ USD, cuối tuần qua nội các của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tiếp tục thông qua gói kích thích thứ hai trị giá 10,7 tỷ USD.


Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái sau ba quý tăng trưởng GDP liên tục ở mức thấp, gói kích thích mới nhất được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản tăng thêm 0,2% GDP cũng như tạo ra khoảng 80.000 việc làm qua các chương trình xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Nhật Bản thông qua gói kích thích thứ hai với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng nội địa.

Theo công bố mới nhất của Văn phòng thống kê Nhật Bản, GDP quý III của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chỉ đạt 0,2%, giảm 3,5% so với cùng kỳ và 0,9% so với quý trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái. Đặc biệt trong quý III vừa qua, xuất khẩu của Nhật Bản sang các thị trường chiến lược ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ đều giảm trong khi chi tiêu của người dân xứ Phù Tang cũng thấp đi. Thực trạng ảm đạm này khiến nhiều chuyên gia lo ngại, kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái lần thứ ba kể từ sau năm 2008. Nếu kịch bản không mong đợi này xảy ra sẽ không chỉ tác động mạnh đến kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ mức 5% hiện nay lên 10% vào năm 2015 được Quốc hội Nhật Bản thông qua mới đây, mà còn khiến uy tín đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền (DPJ) của Thủ tướng Y.Noda bị lung lay.

Quyết định tăng "liệu pháp" cứu nền kinh tế được Thủ tướng Y.Noda đưa ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 16-12 tới. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Y.Noda giảm xuống mức nguy hiểm 20%, DPJ lâm vào chia rẽ nội bộ sâu sắc bởi quyết định giải tán Hạ viện và ý định tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 9 đối tác trong khu vực. Nhiều chuyên gia phân tích dự báo DPJ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện tới để lại phải nhường "ghế" cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng tung gói kích cầu thứ hai trị giá 10,7 tỷ USD ngay sau khi kêu gọi bầu cử Hạ viện trước thời hạn là một động thái bất thường của Thủ tướng Y.Noda và có thể bị phe đối lập chỉ trích là nhằm "mua phiếu bầu".

Kết quả thăm dò dư luận của hãng tin Kyodo cuối tháng 11 cho thấy, LDP đối lập đứng đầu về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới. Có tới 18,7% số người được hỏi trả lời sẽ bỏ phiếu cho LDP, trong khi DPJ cầm quyền chỉ được 8,4%, giảm 2,4% so với cuộc thăm dò trước đó. Một cuộc thăm dò dư luận khác của báo Asahi cũng cho thấy sự chênh lệch với tỷ lệ ủng hộ dành cho LDP là 23% và DPJ là 13%. Thật ngạc nhiên khi trả lời câu hỏi ai là người thích hợp cho cương vị Thủ tướng Nhật Bản, 33,9% số người được hỏi cho rằng đó là Chủ tịch LDP Shinzo Abe và 30% chọn Thủ tướng đương nhiệm Y.Noda.

Để chuẩn bị cho cuộc đua không kém phần gay cấn vào ngày 16-12 tới, mới đây DPJ cầm quyền đã công bố cương lĩnh tranh cử tập trung vào tính hiện thực trong các chính sách hơn là những lời kêu gọi suông. Cùng với cam kết loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2030 và chống giảm phát bằng cách hợp tác với ngân hàng Nhật Bản, cương lĩnh của DPJ khẳng định sẽ đồng thời thúc đẩy sự tham gia của Nhật Bản vào các cuộc đàm phán TPP và các cơ cấu thương mại tự do khác như Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên với Trung Quốc và Hàn Quốc. Với việc đồng yen tăng giá làm nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu giảm sút, DPJ cam kết sẽ đưa ra biện pháp kiên quyết để ngăn chặn đồng yen tăng giá và những biến động đột ngột trong thị trường tiền tệ.

Trong bối cảnh nợ công của nền kinh tế lớn thứ hai Châu Á lên mức cao kỷ lục 983.300 tỷ yen (12.400 tỷ USD), nội các của Thủ tướng Y.Noda kỳ vọng hai gói kích thích liên tiếp trị giá 16 tỷ USD tung ra sẽ giúp kinh tế Nhật Bản nhanh chóng khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế không lạc quan khi nhận định, Nhật Bản sẽ phải mất một thời gian nữa để quay về đà phục hồi bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm chạp và quan hệ với Trung Quốc chưa thật sự nồng ấm trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai cú giải cứu liên tiếp của Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.