Rạng sáng 27-2 giờ Washington (chiều 27-2 giờ Hà Nội), Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ đại dịch Covid-19 quy mô lớn, trị giá tới 1.900 tỷ USD.
Trong phiên họp thâu đêm sang rạng sáng 27-2, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua gói cứu trợ, kích cầu kinh tế nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, với tỷ lệ 219 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Chỉ có 2 Hạ nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối gói cứu trợ.
Bất chấp sự phản đối gần như toàn diện của tất cả các Hạ nghị sĩ Cộng hòa, Hạ viện đã thông qua gói cứu trợ, được Tổng thống Joe Biden coi là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sĩ đối nội này, nhằm tiến gần hơn một bước tới việc hiện thực hóa gói cứu trợ với hy vọng bình ổn nền kinh tế, tăng nguồn ngân sách ứng phó với đại dịch.
Gói cứu trợ bao gồm các nội dung chính như sau: Chi trả 1.400 USD cho một cá nhân và một khoản tương tự cho mỗi người phụ thuộc; trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần áp dụng tới ngày 29-8 và có thể gia hạn; chi 20 tỷ USD cho chương trình phân bổ vắc xin Covid-19 và 50 tỷ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết vi rút SARS-CoV-2; chi 350 tỷ USD cứu trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương; chi 25 tỷ USD để hỗ trợ người thuê nhà trả phí; chi 170 tỷ USD để hỗ trợ sinh viên và giúp các trường học từ cấp mẫu giáo (K) cho tới lớp 12 mở lại trường học. Đặc biệt, gói cứu trợ của Hạ viện Mỹ có cả điều khoản nâng lương tối thiểu của người lao động liên bang lên 15 USD/giờ, song điều khoản này nhiều khả năng sẽ bị chặn tại Thượng viện.
Trong chuyến công tác chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới thành phố Milwaukee, thuộc bang Wisconsin hôm 16-2 vừa qua, Tổng thống Biden cam kết sẽ thúc đẩy nhanh chóng để đưa gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đến người dân.
Phát biểu trên chương trình phát sóng trực tiếp của kênh CNN từ tòa thị chính ở Milwaukee, Tổng thống Biden nhấn mạnh đây là thời điểm để chính phủ giải ngân khoản tiền lớn. Gói hỗ trợ kinh tế của ông Biden có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Chính quyền Mỹ cho biết khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, qua đó ngăn chặn sự chững lại của đà hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, gói chi tiêu của ông Biden còn cam kết thúc đẩy chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19, vốn được xem là thách thức tài chính, y tế và hậu cần mà chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.
Tổng thống Biden cam kết đến cuối tháng 7 tới, Mỹ sẽ có 600 triệu liều vắc xin, đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ. Bày tỏ lạc quan về cuộc sống tương lai của người dân Mỹ trở lại bình thường, Tổng thống Biden cho biết ông mong muốn nhanh chóng đưa trẻ em quay lại trường học và chủ trương tiêm vắc xin cho các giáo viên.
Nhà lãnh đạo Mỹ kỳ vọng đến Giáng Sinh tới, nước Mỹ sẽ ở một "hoàn cảnh rất khác”. Theo đó, sẽ có ít người phải cách ly xã hội hơn và ít người phải đeo khẩu trang hơn. Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh "không thể chắc chắn về điều này".
Dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cam kết sẽ nỗ lực hết sức để gói cứu trợ được thông qua và gửi lên Tổng thống Biden ký ban hành. Bà bày tỏ hy vọng gói cứu trợ sẽ hoàn tất quá trình phê chuẩn tại lưỡng viện trước ngày 14-3.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.