Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội ứng phó thiếu hụt nguồn nước sản xuất

Kim Nhuệ| 23/12/2019 08:39

(HNM) - Mặc dù mùa mưa đã kết thúc nhưng nguồn nước tích trữ trong các hồ thủy điện bổ sung trực tiếp cho sông Hồng đang ở mức rất thấp. Để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Hà Nội đã xây dựng và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến thời điểm làm đất, gieo mạ trà xuân sớm nhưng hiện nay, mực nước trên các công trình thủy lợi đều rất thấp, nhiều kênh mương nội đồng cạn trơ đáy. Thực tế này đang khiến nhiều nông dân ở các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh, thị xã Sơn Tây… gặp khó khăn trong canh tác.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây) vận hành hết công suất để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trọng Tùng

Bà Nguyễn Thị Thuận, người dân xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) lo lắng nói: “Vụ xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất của nông dân nhưng hiện nay, các kênh mương trên địa bàn xã đều cạn kiệt. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành có giải pháp bảo đảm đủ nước để làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ...”.

Về thực tế trên, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết, không riêng hệ thống thủy lợi nội đồng của thành phố đang bị cạn kiệt mà mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống… cũng ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là 3 tháng gần đây, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ đạt rất thấp…

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ xuân 2020, Tổng cục Thủy lợi đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thống nhất điều tiết nguồn nước các hồ thủy điện bổ sung cho dòng chảy sông Hồng trong 18 ngày, chia thành 3 đợt.

Tuy nhiên, tính đến ngày 19-12, nguồn nước các hồ thủy điện thượng lưu sông Hồng chỉ đạt trung bình 62,2% dung tích thiết kế, thiếu hụt 12-46% so với trung bình nhiều năm. Dự kiến trong tháng 1-2020, tổng lượng nước trữ của các hồ thủy điện chỉ đạt trung bình 58% dung tích thiết kế, tương đương 9,51 tỷ mét khối nước - thấp hơn 7,3 tỷ mét khối so với cùng kỳ năm 2018…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, dù khó khăn đến đâu các đơn vị liên quan cũng phải khắc phục để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội phải xây dựng phương án chi tiết ứng phó khả năng thiếu hụt nguồn nước…

Thực hiện chỉ đạo trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi thành phố lập ra tình huống bất lợi nhất về nguồn nước để xây dựng phương án ứng phó. Cụ thể, nếu các hồ thủy điện không xả đủ 18 ngày, mực nước sông Hồng thấp hơn kế hoạch lấy nước… Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích triển khai ngay phương án nối dài ống hút Trạm bơm dã chiến Phù Sa để vận hành máy bơm.

Trong trường hợp mực nước Trạm bơm dã chiến Phù Sa chỉ vận hành được dưới 30% lưu lượng thiết kế hoặc không vận hành được, Công ty tiếp tục triển khai phương án gia cố mái bờ kè vị trí trạm bơm, tiếp tục hạ thấp cao trình bệ máy hoặc lắp đặt các tổ máy bơm dã chiến cấp 2 cho trạm bơm chính vận hành tưới.

Đối với Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm, Công ty nối dài ống hút, nạo vét, khơi thông kênh dẫn, bảo đảm trạm bơm vận hành với mực nước bể hút 1,2m. Trong trường hợp mực nước thấp hơn, Công ty tiếp tục hạ thấp cao trình đặt máy xuống 5,5m…

“Ngoài giải pháp công trình, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông; tập trung làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ứng phó thiếu hụt nguồn nước sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.