(HNMO) - Hiện nay, nuôi trồng thủy sản của Hà Nội ổn định cả về diện tích, sản lượng, nhưng người dân mới nuôi ở hình thức bán thâm canh, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết dẫn tới tiêu thụ khó khăn; cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản đầu tư chưa đồng bộ... Việc khắc phục những bất cập đang được các cấp, các ngành chức năng cùng người dân từng bước tháo gỡ.
Chủ yếu nuôi theo hướng truyền thống
Ông Bạch Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết, gia đình ông đang có hơn 1ha nuôi trồng thủy sản, nhưng mới chỉ tập trung vào nuôi theo hình thức bán thâm canh nên năng suất còn thấp (5-6 tấn/ha). Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thức ăn cho thủy sản tăng, giá bán lại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tiêu thụ cũng khó khăn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ngâm ở xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), với gần 3ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả và dịch vụ du lịch sinh thái đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với người nuôi trồng thủy sản là chưa xây dựng được thương hiệu, chưa liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu vẫn bán sản phẩm tại chợ đầu mối hoặc thương lái đến thu mua...
Đánh giá về tình hình nuôi trồng thủy sản Hà Nội trong 7 tháng của năm 2021, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn Hà Nội đạt khoảng 23.400ha, sản lượng ước đạt 60.085 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội còn nhiều khó khăn: Nguồn nước cung cấp cho một số vùng nuôi bị ô nhiễm, thiếu nước cho nuôi trồng thủy sản; nhận thức của người nuôi về phòng, chống ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp, nguy cơ xuất hiện các loại bệnh ở các đối tượng nuôi rất cao.
"Bên cạnh đó, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu nuôi trồng thủy sản còn thiếu. Toàn thành phố có hơn 25.800 hộ nuôi trồng thủy sản nhưng quy mô nhỏ lẻ nên việc áp dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản chưa đa dạng, phần nhiều mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước, kỹ thuật "sông trong ao", nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP...", ông Tạ Văn Sơn cho biết thêm.
Đồng bộ các giải pháp
Để tháo gỡ khó khăn cho các vùng nuôi trồng thủy sản, bảo đảm nguồn cung cho thị trường Hà Nội trong các tháng cuối năm, theo bà Đặng Thị Hiêm ở xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức), thời gian tới, các hộ nuôi trồng thủy sản liên kết với nhau thành lập hợp tác xã để mua thức ăn thủy sản từ các đại lý nhằm giảm giá thành sản phẩm; các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bán cho siêu thị, cửa hàng tiện ích; đồng thời, có chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm, trước mắt, Hà Nội hỗ trợ con giống ngắn ngày để nâng cao sản lượng như: Cá rô phi đơn tính, chép lai cho 7.000ha vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Cùng với đó, hỗ trợ hóa chất khử trùng môi trường ao nuôi, phòng, chống dịch bệnh... góp phần nâng cao sản lượng; bảo đảm sản xuất, nguồn cung vật tư nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thức ăn, thuốc thú y cho nuôi trồng thủy sản.
Về lâu dài, các địa phương cần rà soát những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn để bảo đảm truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Để khai thác tốt tiềm năng, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố xem xét bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt; liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố lân cận nhằm tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, tạo tiền đề thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất...
Với những giải pháp như trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ hạn chế được việc nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.