Hiện nay, trong lĩnh vực thủy sản, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình cá - lúa là hướng đi bền vững và tiềm năng cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Hà Nội.
Nếu được triển khai hợp lý và khoa học, mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp nông dân có động lực chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Nông nghiệp Thủ đô.
Những hiệu quả bước đầu
Ông Đinh Đức Hòa ở xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) có 6ha diện tích mô hình nuôi cá - lúa với các loại cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi... Ông Đinh Đức Hòa cho biết, áp dụng mô hình nuôi cá - lúa có thể tận dụng thức ăn dư thừa từ lúa, còn cây lúa sẽ đạt sản lượng cao hơn so với trồng 2 vụ thông thường. Ngoài ra, việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa. Trừ chi phí, các hộ dân có thể thu khoảng 200-250 triệu đồng/ha/năm.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, Ứng Hòa là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn (hơn 3.200ha), kinh tế nông nghiệp tuần hoàn được xây dựng gần 20 năm qua ở địa phương với hàng nghìn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ... Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, ở Ứng Hòa, mô hình lúa - cá, lúa - vịt ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Các hệ canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, các mô hình đa canh lúa - cá - vịt... đang chiếm ưu thế, giúp người dân bám trụ được bằng nghề nông...
Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) Hoàng Kim Vũ cho biết, Hà Nội là địa phương có tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản (khoảng 24.000ha) cùng 5.930ha đất chiêm trũng trồng lúa, tập trung ở các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín. Trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm tới việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Về mô hình nuôi cá - lúa, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, như: Hỗ trợ kinh phí hóa chất xử lý môi trường năm đầu tiên là 50%, năm thứ hai 30%; hỗ trợ 50% kinh phí máy quạt nước tạo ô xy.
Thực tế cho thấy, các mô hình nuôi cá - lúa tạo hệ sinh thái kết hợp, mang lại lợi ích cho cả cá và cây lúa, vừa tận dụng được diện tích mặt nước, tăng sản lượng trên cùng diện tích canh tác. Việc áp dụng mô hình cá - lúa còn góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính. Cách sử dụng phân bón tự nhiên từ cá làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón hóa học, từ đó giảm lượng khí nhà kính phát thải từ quá trình sản xuất và sử dụng phân bón. Hơn nữa, mô hình này giúp tăng khả năng hấp thụ carbon của đất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản...
Đưa tiến bộ khoa học vào quản lý môi trường
Tại Hà Nội, dựa theo điều kiện khí hậu, mô hình cá - lúa cần được điều chỉnh phù hợp. Nông dân cần chọn giống phù hợp để thả ghép trong ruộng lúa như cá rô, trắm cỏ, cá chép..., đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý môi trường. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, để đưa kinh tế tuần hoàn vào nuôi trồng thủy sản, thời gian tới, huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ trong canh tác; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đặc biệt là áp dụng mô hình lúa - cá - vịt; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản...
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào hoạt động nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, giảm thiểu chất thải. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, gồm: Xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao ứng dụng hệ thống sản xuất liên kết, tuần hoàn giữa các lĩnh vực nông, lâm, ngư như: Trồng trọt, thủy sản luân canh, chăn nuôi, thủy sản kết hợp; tăng cường công tác theo dõi, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường thủy sản tại cơ sở; chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường trong hoạt động thủy sản. Qua đó, ngành Nông nghiệp sẽ từng bước xây dựng, áp dụng mô hình doanh nghiệp, hợp tác nuôi trồng thủy sản; chế biến, khai thác, kinh doanh thủy sản theo hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường...
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cam kết phối hợp với các địa phương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ thủy sản; đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của thành phố; hỗ trợ các chủ trang trại tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thủy sản ứng dụng kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu, cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đưa vào các kênh phân phối hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.