Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng DN, thúc đẩy SXKD phát triển

Lan Hương| 14/11/2013 13:11

(HNMO) – Sáng 14/11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp tháng 11 năm 2013 nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN.

Điều hành hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, lãnh đạo các sở, ban ngành của TP cùng đại diện của 60 DN thuộc các ngành hàng khác nhau đại diện cho hơn 10 vạn DN trên địa bàn TP.

Tại hội nghị, báo cáo của Sở KH&ĐT cho biết: Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH và 10 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, kinh tế có chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước, duy trì mức tăng trưởng khá 7,88%, cao gấp 1,53 lần bình quân của cả nước, ước thực hiện cả năm đạt 8,25% đạt kế hoạch đề ra (năm 2012 là 8,06%).

Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn một số khá khăn. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng giảm 1% và ước cả năm 2013 chỉ tăng khoảng 0,2%. Chỉ có khu vực đầu tư nước ngoài vẫn giữ được mức tăng trưởng (0,6%), trong khi khu vực trong nước, gồm cả nhà nước và ngoài nhà nước đều giảm. Bình quân 10 tháng đầu năm CPI tăng 6,25%. Với xu thế như hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2013 dự báo sẽ thấp hơn 8% (năm 2012 là 8,57%).

Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư xã hội đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt 260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012 (kế hoạch là 15-16,5%, cùng kỳ năm 2012 tăng 13,21%).

TP cũng ước cấp mới và điều chỉnh 470 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,3 tỷ USD (tương đương năm 2012). Trong điều kiện khó khăn, vốn thực hiện các dự án FDI vẫn duy trì ước đạt 900 triệu USD. Khu vực đầu tư nước ngoài vẫn duy trì số thu ngân sách khoảng 13.400 tỷ đồng, tăng 16% và dẫn đầu về xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, có 10.079 doanh nghiệp ngừng hoạt động (giảm 11,5%), trong đó, giải thể là 550 (tăng 49%), bỏ địa chỉ kinh doanh là 6.429 (tăng 9,4%), tạm ngừng kinh doanh là 3.100 (giảm 39,7%). Năm 2013, ước có 14.950 DN đăng ký thành lập theo luật DN với số vốn khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng 12% về số DN và 33% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.



Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN của TP Hà Nội đã triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chương trình xuất khẩu; xây dựng thương hiệu; tháo gỡ thị trường BĐS trên địa bàn TP; cải thiện môi trường đầu tư, SXKD và nâng cao chỉ số PCI của TP…

Đáng chú ý, ở lĩnh vực hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện để thúc đẩy SXKD, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho DN, TP đã ban hành 2 quyết định. Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 10/4/2013 về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013. Đến nay, mới giải ngân được khoảng 6,88 tỷ đồng, với 6 doanh nghiệp thụ hưởng. Gần đây nhất là Quyết định số 6125/QĐ-UBND ngày 11/10/2013 về thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN trên địa bàn TP Hà Nội để SXKD năm 2013, số vốn dành cho hỗ trợ là 80 tỷ đồng. Các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các DN được thụ hưởng nộp hồ sơ về Sở Tài chính.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Công Bình – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết về việc hỗ trợ lãi suất, vốn vay cho các DN, phía ngân hàng cũng đã tìm cách hỗ trợ khó khăn cho DN. Ví như, các DN muốn hỗ trợ lãi suất phải không nợ bảo hiểm, không nợ thuế…; Tuy nhiên nếu DN khó khăn, chậm nộp bảo hiểm 3 tháng, Ngân hàng vẫn giải quyết cho vay. Sở Tài chính là cơ quan một cửa hỗ trợ lãi suất vốn vay, Sở đã công bố công khai các thủ tục vay vốn đến DN.

Về phía ngân hàng, ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc Ngân hàng NN chi nhánh TP Hà Nội cho biết: Chia sẻ khó khăn với DN, Ngân hàng không o ép DN trả nợ, mà cùng bàn lộ trình trả nợ. Ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cải tiến các thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn hiệu quả. Các tổ chức tín dụng cũng nới rộng việc cho vay quản lý theo dòng tiền, không cần tài sản đảm bảo. Ngân hàng nông nghiệp và PTNT đã cho vay theo hình thức này. Nhiều ngân hàng đã đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ vay vốn, tốc độ tăng trưởng tín dụng…

Phát biểu tại hội nghị, phần đông các DN đều có ý kiến về việc hiện DN vẫn rất khó khăn, chỉ mới hồi phục. Ngoài việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho năm 2013, TP nên hỗ trợ tiếp tục cho các DN trong năm 2014.

Trả lời kiến nghị của DN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ: Trong năm 2013, TP có dự toán ngân sách hỗ trợ DN lãi suất vốn vay 80 tỷ đồng, Chính phủ cho phép hỗ trợ trong năm 2013. DN có thể tận dụng quay vòng được nhanh nguồn vốn. Trong năm 2014, TP cũng đang dự toán ngân sách và để hỗ trợ được cho DN phải trình Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thành – Chủ tịch Công ty CP Thế thao Động lực kiến nghị, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc đầu tư mới rất khó, chủ yếu nghe ngóng. Nếu đầu tư được, Ngân hàng và TP hỗ trợ cho nguồn vốn vay ổn định từ 3 đến 5 năm, DN mới dám đầu tư. Chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại của TP cũng nên hỗ trợ DN xuất khẩu chào hàng tại hội chợ ở Quảng Châu - Trung Quốc, vì đây là hội chợ rất lớn và quan trọng.

Mặt khác, bà Hằng – Giám đốc Công ty Dệt 10-10 bày tỏ do hàng tồn kho nhiều nên công typhải đóng thuế VAT lớn, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận. Doanh thu năm 2013 của công ty ước đạt 3.200 tỷ đồng. Theo bà Hằng, “ưu đãi về thuế thu nhập không phù hợp, vì DN chết rồi lấy đâu để nộp. TP nên ưu đãi cho DN về thuế VAT”. Hơn nữa, mặt bằng tiền lương vừa qua tăng quá nhanh, DN sử dụng nhiều lao động rất lo. Tỷ lệ đóng bảo hiểm 30,5% tiền lương là quá lớn với DN, cần hạ thấp hơn nữa.

Đồng quan điểm với bà Hằng, Giám đốc Công ty may mặc Mỹ Anh cho biết công ty đang sử dụng gần 200 lao động và hiện nợ đóng bảo hiểm vì mức quá cao. Công ty đề nghị cho đối trừ một phần bảo hiểm xã hội..

Giải đáp các ý kiến liên quan đến người lao động và bảo hiểm xã hội, ông Hùng – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH nêu rõ: Các Nghị định mới của Chính phủ còn quy định xây dựng thang bảng lương mới để đóng BHXH. Hiệu lực thi hành từ tháng 7/2013, nhưng qua khảo sát một số DNNN rất ít đơn vị xây dựng được bảng lương mới. DN khó khăn, hiện tượng nợ đọng BHXH rất lớn, việc này các cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét giải quyết. Vừa qua, TP đã có hỗ trợ cho người lao động như nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Đáng mừng là số vụ đình công, ngừng việc tập thể trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay thấp. Số người tham gia hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương năm trước.

Qua nghe ý kiến của đóng góp của các DN và các sở, ngành của TP, phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đánh giá: “Chưa có năm nào, TP gặp gỡ DN nhiều như năm nay, đây là lần thứ 9. TP cùng đồng hành với DN trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phục hồi và phát triển. TP tiếp tục khẳng định hỗ trợ DN: lãi suất, hàng tồn kho, hội chợ, triển lãm, đầu tư…”. Luật Thủ đô có hiệu lực được 5 tháng nay nhưng đã ban hành được 11 nghị quyết tác động rất mạnh đến các DN, giải quyết khó khăn cho người lao động.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng biểu dương hoan nghênh các DN đã tích cực chèo chống hoạt động kinh doanh trong năm 2013 khi chỉ còn hơn 45 ngày nữa là kết thúc… TP, Sở Tài chính, Thuế, Ngân hàng Nhà nước… sẽ cùng phối hợp tháo gỡ các khó khăn phát sinh, đồng hành cùng DN hoàn thành nhiệm vụ năm 2013.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng DN, thúc đẩy SXKD phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.