Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Thanh tra xây dựng phát hiện hơn 1.900 công trình vi phạm

Hương Thủy| 13/12/2017 09:12

(HNMO) - Năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó số công trình có vi phạm là 1.916 công trình.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến quý IV-2017 của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra sáng 13-12, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện có nhiều giải pháp mới đồng bộ, sáng tạo nhằm đảm bảo trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông. Các giải pháp được thực hiện chủ động với phương châm và tinh thần trách nhiệm cao, trong đó quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu, các đơn vị, tổ chức, cơ quan. Công tác kiểm tra về trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông… đã được các cấp, các ngành tiến hành thường xuyên. Nhờ đó, việc thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU đạt một số kết quả.


1.916 công trình xây dựng vi phạm được phát hiện

Năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó số công trình có vi phạm là 1.916 công trình (không phép: 765 công trình; sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kết: 334 công trình; xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường: 69 công trình; xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp: 748 công trình).

Phá dỡ một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Internet)


UBND cấp xã, cấp huyện đã xử lý 1.571 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 345 trường hợp. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.

Các công trình siêu mỏng, siêu méo còn tồn tại nhiều năm qua đã và đang được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung chỉ đạo dứt điểm với nhiều giải pháp tích cực. Những trường hợp phát sinh mới đã được hạn chế tối đa trong quá trình quy hoạch, thiết kế và thi công tuyến đường mới mở. Tổng số công trình siêu mỏng, siêu méo tồn đọng đến tháng 8-2016 còn 147 trường hợp trên địa bàn 8 quận, đến nay đã giải quyết được 15 trường hợp, còn 132 trường hợp đang xử lý.

Với trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới, tính từ tháng 8-2016 đến nay, các quận đã giải quyết được 147/203 trường hợp (đạt 72%).

Năm 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã làm việc trên địa bàn 12 quận, huyện về quản lý biển hiệu, biển quảng cáo, qua đó đã xử lý, tháo dỡ 180 bảng quảng cáo một cột trụ, 149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách và 43 bảng quảng cáo trên mặt tiền, mặt bên công trình; 14 quận, huyện hoàn thành xử lý tháo dỡ biển quảng cáo vi phạm.

Về xóa bỏ quảng cáo rao vặt, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê, rà soát và ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với hơn 1.900 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định.

Công tác xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, quản lý kinh doanh trên các tuyến phố cũng được thực hiện. Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các quận, huyên, thị xã rà soát, giải tỏa tụ điểm chợ cóc trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 30-11-2017, đã giải tỏa thêm được 47 chợ cóc, nâng tổng số chợ đã được giải tỏa là 149/213 chợ, đạt 70%, 64 chợ còn lại sẽ tiếp tục giải tỏa trong thời gian tới; đã tổ chức rà soát, kiểm tra các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các tuyến phố, xử lý 316 vụ, phạt hành chính gần 1,8 tỷ đồng...

Với công tác quy hoạch, đã thẩm định, đang bổ sung, hoàn thiện 6 đồ án quy hoạch; triển khai lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kể đô thị; tổ chức nghiên cứu một số quy hoạch đặc thù như: Quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm trên địa bàn 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa); triển khai điều chỉnh, bổ sung và thay thế các quy hoạch chuyên ngành theo đúng tiến độ và yêu cầu phát triển của thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức kẻ lại, kẻ mới vạch sơn trên hè 632 tuyến phố đủ điều kiện để bố trí, sắp xếp chỗ để xe đạp, xe máy, thực hiện theo đúng quy định của UBND thành phố; đã thống nhất với 235 cơ quan, đơn vị trung ương đóng trên địa bàn thường xuyên có xe của cán bộ, công nhân viên, khách liên hệ công tác để trên vỉa hè, yêu cầu thực hiện sắp xếp phương tiện vào trong khuôn viên cơ quan.

Về công tác bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ; thực hiện quản lý chất lượng không khí trên địa bàn thành phố tại 20 vị trí, địa điểm đã được lựa chọn…

Đáng chú ý, việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố được thực hiện. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 45.374 trường hợp vi phạm trật tự công cộng, trật tự đô thị, phạt 20,911 tỷ đồng; tiếp tục giải quyết các vụ việc phức tạp về trật tự công cộng, trật tự đô thị trên các tuyến hướng tâm, tuyến vành đai và địa bàn giáp ranh. Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 230.474 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 63 tỷ đồng, tạm giữ 7.541 phương tiện, 62.230 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 13.812 trường hợp…

Tập trung giải quyết dứt điểm các công trình vi phạm 

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU vẫn còn tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, một số công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô tồn đọng vẫn chưa được giải quyết, xử lý hết; số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, cá biệt có nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp gây bức xúc trong dư luận; tình trạng ô nhiễm môi trường, tồn đọng rác thải trên các tuyến đường vẫn còn; úng ngập tại một số điểm chưa được giải quyết dứt điểm; tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp…

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: Tăng cường công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng đô thị và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng tại các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt là trên các tuyến đường, tuyến phố, nút giao thông, các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp;

Đồng thời, không để phát sinh những trường hợp mới, đặc biệt là những vụ vi phạm nghiêm trọng; tập trung giải quyết dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng; tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát, đôn đốc, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm các công trình siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng và hạn chế phát sinh mới trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất;

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó tiếp tục triển khai các công trình chống úng ngập cục bộ; tập trung đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thanh tra xây dựng phát hiện hơn 1.900 công trình vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.