(HNMO) - Sáng 30-6, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Quang cảnh hội nghị. |
Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Nguyễn Văn Sửu; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà...
Dự hội nghị về phía cơ quan trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Báo cáo kết quả hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã đề ra mục tiêu đến năm 2020: “Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; có 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 huyện, thị xã trở lên đạt nông thôn mới. Thu nhập bình quân của khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo tiêu chí mới)…”.
Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình đã đạt kết quả rất khả quan.
Cụ thể, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Toàn thành phố có 123 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 114 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Trong đó có một số mô hình nổi bật như: Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH XKN Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức; mô hình sản xuất rau thủy canh của HXT dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Công ty TNHH Ba Huân đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao ở huyện Phúc Thọ…
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 43.110 tỷ đồng, tăng 4,44% so với năm 2015; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,1%.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016-2017, Hà Nội có thêm 3 huyện (Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số huyện nông thôn mới lên 4/18 huyện, thị xã, chiếm 22,22%; có thêm 93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; nâng số xã đạt chuẩn lên 294/386 xã, chiếm 76,16% tổng số xã và tăng 49 xã so với kế hoạch đề ra.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 33,0 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 38,0 triệu đồng/người/năm. Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.
Các thiết chế văn hóa, cơ sở giáo dục khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao; tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội ở nhiều nơi có tiến bộ rõ rệt theo hướng tiết kiệm và văn minh.
Hơn 2 năm qua, toàn thành phố đã huy động được hơn 25.093,3 tỷ đồng cho chương trình. Đặc biệt, 12 quận nội thành của Hà Nội đã chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 284,9 tỷ đồng, trong đó nổi bật là quận Thanh Xuân hỗ trợ 3 huyện (Ba Vì, Đông Anh, Thanh Oai) với tổng kinh phí là 141 tỷ đồng.
Tham luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Mười cho rằng, có được kết quả trên là nhờ chủ trương đúng đắn, đi vào cuộc sống của Trung ương và thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và thường xuyên của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.
Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy nguồn lực từ đất để thực hiện chương trình. Sở đã tham mưu cho thành phố về công tác quy hoạch sử dụng đất; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa; đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới… góp phần vào thành công chương trình.
Bí thư Huyện ủy huyện Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, huyện đang phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đến nay, Sóc Sơn đã có 18/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt và cơ bản 15/19 tiêu chí.
Kết quả đạt được là sự nỗ lực rất lớn của huyện bởi Sóc Sơn có xuất phát điểm thấp, quá trình triển khai có nhiều khó khăn như: Số xã lớn, trình độ sản xuất không đồng đều, cơ sở vật chất yếu kém, nhất là có khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn - nơi mà sự hài lòng của người dân luôn ở mức thấp, luôn tiềm tàng nguy cơ về mất an ninh trật tự…
Có được kết quả cao, ông Phương cho rằng, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự hỗ trợ của thành phố còn là sự đoàn kết cao trong Đảng bộ, có sự đánh giá khách quan, từ đây, đề ra được phương án lãnh đạo hợp lý, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc…
Tuy nhiên, Sóc Sơn vẫn còn gặp một số khó khăn. Huyện đề nghị thành phố bổ sung kinh phí hỗ trợ địa phương làm giao thông nông thôn, hướng dẫn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…
Bí thư Chi bộ thôn Nội 1 (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ) Trịnh Văn Thùy chia sẻ kinh nghiệm, để tạo đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới, Chi bộ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của cán bộ, phân công cán bộ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, giải quyết những băn khoăn, bức xúc và lắng nghe kiến nghị của nhân dân; tổ chức sinh hoạt nhân dân nhiều lần để vận động và giải quyết kịp thời ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân... từ đó, huy động được vốn và tư duy sáng tạo của người dân…
Đến cuối năm 2016, xã Tam Thuấn được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Thùy kiến nghị thành phố và huyện tiếp tục hỗ trợ cho địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Từ thực tế, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Thành (huyện Quốc Oai) Đinh Văn Phích cho biết, từ đầu năm 2016, thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, xã Đại Thành đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Xã Đại Thành đã được huyện Quốc Oai phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong đồng và ngoài bãi sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, hướng tới phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái.
Đến nay, xã Đại Thành chỉ còn lại diện tích rất nhỏ ở khu vực quá trũng trồng lúa; diện tích trồng cây ăn quả sản xuất chuyên canh là 165ha; sản lượng năm đã đạt 2.000 tấn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho các hộ dân.
Ông Phích cũng kiến nghị, TP Hà Nội tiếp tục có chính sách hỗ trợ, xây dựng, nhà sơ chế bảo quản sau thu hoạch nhãn muộn của địa phương và thúc đẩy các mô hình kinh tế nông nghiệp; khuyến khích mô hình phát triển sản xuất cây trồng vật nuôi chuyên canh; tiếp tục hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết tiêu thụ, tổ chức xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Hà Nội đã chọn việc khó nhất nhưng căn bản nhất: Dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Chương trình 02-CtrTU của Hà Nội có nhiều nét đặc sắc, thể hiện rõ mục tiêu cốt lõi “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân” của Thủ đô. Hà Nội có vùng nông thôn rộng lớn, do vậy, sự quan tâm của Thành ủy đối với Chương trình là rất trúng. Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã triển khai thực hiện rất bài bản, đặc biệt là việc thành lập Ban chỉ đạo từ cấp thành phố xuống cấp xã. Quá trình thực hiện đã xây dựng được hệ thống cơ chế chính sách rất cụ thể; các đề án dành nguồn lực tập trung cho các thiết chế hạ tầng, hỗ trợ sản xuất để các địa phương thực hiện.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. |
“Hà Nội đã chọn việc khó nhất nhưng căn bản nhất trong thực hiện Chương trình 02-CTrTU đó là dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc làm này rất khó, cần nhiều công sức và cách làm sáng tạo mà không phải nơi nào cũng làm được. Đây là cơ sở để tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đến nay, lợi thế của nền nông nghiệp ven đô đã được phản ánh rõ nét; thu nhập bình quân của Thủ đô đạt 38 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (34 triệu đồng) - đây là một thành công lớn của Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mong muốn, từ nền tảng dồn điển đổi thửa, Hà Nội tiếp tục khai thác lợi thế ven đô thích ứng sản xuất nông nghiệp với từng vùng, từng khu vực để mang những nét đặc trưng. Nông nghiệp ven đô nên là nông nghiệp đặc sản, lợi thế, hướng tới, cần chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố khác.
Hà Nội nên là trung tâm đầu mối, chế biến, xuất khẩu của cả nước; nông nghiệp ven đô cần phát triển được du lịch sinh thái, đặc sản, cảnh quan, môi trường, ngành nghề. Hà Nội cần thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hạt nhân làm từng phân khúc; có thể phát triển nông trại, gia trại... Hà Nội cần đẩy mạnh việc huy động xã hội hóa để thu hút nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tiếp tục có đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn mới…
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới
Kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTrTU Ngô Thị Thanh Hằng tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, đặc biệt là sự đóng góp của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Đồng chí Ngô Thị Thanh cho rằng, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Qua đó, Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã đạt được những kết quả toàn diện; phát triển nông nghiệp đã có nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành việc cấp 99,1% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa, làm cơ sở quan trọng để các hộ nông dân liên kết, ứng dụng công nghệ cao mở rộng sản xuất...
Đối với xây dựng nông thôn mới, thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tăng 10 chỉ tiêu và các chỉ tiêu, tiêu chí cơ bản đều cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn 2010-2015, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các huyện, thị xã, xã, qua 2 năm thực hiện đã thu được kết quả cao. Đặc biệt, đến nay Hà Nội đã có 4/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 22,22% tổng số huyện); 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 76,16%), tăng 49 xã so với kế hoạch đề ra; không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, bình quân đạt 18-19 tiêu chí/xã.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 86,06% (trong đó tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016) xuống còn 2,57% (cuối năm 2017)...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, những kết quả trên đã khẳng định hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; đồng thời, khẳng định những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Kết quả chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là thành tựu nổi bật, tạo dấu ấn rõ nét, diện mạo nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi đáng kể, trong đó có nhiều hạng mục mang tính đột phá; hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, giao thông thuận lợi.
Một số địa phương xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp; các thiết chế văn hoá - thể thao và hệ thống dịch vụ công đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân; thu nhập, đời sống nhân dân ổn định, nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh nông thôn được giữ vững, ổn định. Nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, để đạt được kết quả trên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Qua đó, huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới; sự vào cuộc của các quận nội thành hỗ trợ các huyện; sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm cao của người dân.
Qua hơn 2 năm thực hiện, đã có 212 cá nhân, hộ gia đình đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong việc thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo về tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất tốt theo chuỗi sản phẩm sạch an toàn, hiệu quả, đã có nhiều tấm gương sáng là các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ nông dân mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm…
Thay mặt lãnh đạo Thành phố và Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự đóng góp của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ủng hộ xây dựng nông thôn mới.
Tiếp thu ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-Ctr/TU yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra; huy động sự tham gia tích cực của nhân dân Thủ đô trong xây dựng nông thôn mới, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể:
Đối với phát triển nông nghiệp, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với đặc điểm từng vùng miền; tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách của trung ương và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp; tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; tổ chức hoạt động lại đối với các hợp tác xã chưa chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012; duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà”; tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác giám sát phòng chống dịch bệnh…
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo các xã và các huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Các huyện, xã đã đạt chuẩn duy trì nâng cao chất lượng và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiếp tục huy động nguồn lực cho nông thôn mới…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao 39 “Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, giai đoạn 2016-2020” cho 39 xã thuộc 12 huyện, thị xã. |
Về nâng cao đời sống người dân, cần nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của thành phố về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nông dân; đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức hưởng thụ cho nông dân…
Về những đề xuất, kiến nghị của cơ sở tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp thu đầy đủ và tham mưu, đề xuất hướng tháo gỡ. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố thì kiến nghị trung ương tháo gỡ.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trao 39 “Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, giai đoạn 2016-2020” cho 39 xã thuộc 12 huyện, thị xã của Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đã tặng Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội cho 5 tập thể có thành tích trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân, hộ gia đình cũng đã được tặng Bằng khen của Thành ủy và UBND TP Hà Nội. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.