(HNMO) – Sáng 20-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã làm việc với đoàn tỉnh Saitama, Nhật Bản do ngài thống đốc Kiyoshi Ueda dẫn đầu về những vấn đề xúc tiến hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Saitama đã có nhiều hoạt động tại Việt Nam như Đoàn Hội đồng hòa bình và hữu nghị Nhật – Việt tỉnh Saitama đã vận động xây dựng Quỹ hữu nghị hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc dioxin tại Việt Nam; ký kết những văn kiện quan trọng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác của hai bên. Chiều qua, 19-8, đoàn cũng đã có buổi làm việc với ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức TƯ, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nhật.
Với riêng Hà Nội, cách đây một năm, hai bên đã khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy chính quyền và các doanh nghiệp tỉnh Saitama tập trung giúp đỡ Hà Nội trên các lĩnh vực như: xử lý môi trường, tiết kiệm năng lượng, hạ tầng giao thông (xây dựng dàn thép đỗ xe trên không), chế biến lương thực, xử lý rác thải… cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển du lịch.
Chủ tịch khẳng định, trong chuyến thăm lần này sẽ mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ giữa Hà Nội và Saitama; góp phần phát triển toàn diện mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tặng quà lưu niệm cho Thống đốc tỉnh Saitama - Nhật Bản. |
Tại buổi làm việc, giới thiệu về các dự án kêu gọi đầu tư của Hà Nội, ông Ngô Quang Quý – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nhật Bản là nước hiện đứng đầu về số vốn đầu tư tại Việt Nam cũng như tại Hà Nội. Đến nay có 1885 dự án của Nhật Bản với số vốn khoảng 29 tỷ USD đầu tư trên cả nước; ở Hà Nội có 480 dự án với 4,5 tỷ USD vốn đầu tư. Chủ trương của Hà Nội đến năm 2015 và các năm tiếp theo là thu hút đầu tư, hợp tác từ Nhật Bản. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư xây dựng Đề án thu hút các dự án đầu tư từ Nhật Bản và sẽ phê duyệt trong tháng 8-2013.
Theo đó, ở lĩnh vực công nghiệp, Hà Nội kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) hiện có (như KCN cao Hòa Lạc quy mô 1.600ha, KCN Sóc Sơn, Quang Minh…) và các KCN mới. Ở lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng hoa, rau sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Hà Nội thu hút phát triển giao thông công cộng, bãi đỗ xe công nghệ cao, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kêu gọi tỉnh Saitama đầu tư vào du lịch, có thể hình thành các tour tìm hiểu văn hóa, lịch sử của hai bên. Ngoài ra, Hà Nội cũng mong muốn tỉnh Saitama sớm mở Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc ngài thống đốc Kiyoshi Ueda, tỉnh Saitama cho biết: Tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp (trồng rau, hoa). Tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh đứng đầu Nhật Bản. Có nhiều công ty của tỉnh có thế mạnh về xây dựng và tái chế, tài chính, ngân hàng (đứng thứ hai Nhật Bản)… có mặt trong đoàn làm việc lần này. Các doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào các khu công nghiệp của Hà Nội, xây dựng nhà máy tái chế…
Đại diện từ phía Nhật Bản cũng cho biết, các doanh nghiệp thích đầu tư tại Việt Nam vì ít rủi ro, việc chuyển giao công nghệ thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật Bản thường gặp khó khăn do ít thông tin, phải tìm hiểu từ các ngân hàng. Trong thời gian qua, tỉnh Saitama có cơ chế thoáng cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh cũng mong muốn nhận được các thông tin từ Hà Nội để giới thiệu cho các doanh nghiệp.
Qua việc giới thiệu tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định, tới đây, Hà Nội sẽ có chính sách đầu tư và mở cửa để các doanh nghiệp tỉnh Saitama vào đầu tư. Trước mắt, tỉnh có thể lựa chọn khu công nghiệp Bắc Thăng Long của Hà Nội để đầu tư nhà máy tái chế, xem xét xúc tiến đầu tư nhà máy thấu kính cho hàng điện tử, điện thoại (có thể hợp tác với Viettel). Ngoài ra, Hà Nội sẽ giới thiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh đầu tư vào khu công nghiệp phụ trợ tại huyện Phú Xuyên. Hiện một doanh nghiệp của Nhật Bản đã tham gia đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp này. Ngoài ra, tỉnh có thể tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực nông nghiệp (trồng cây bonsai tại khu vực Hà Nội đã quy hoạch). Bên cạnh đó ở lĩnh vực du lịch có thể kết nối tour Hà Nội – Tokyo – Saitama và ngược lại. Hà Nội và tỉnh Saitama sẽ ký biên bản ghi nhớ về những vấn đề hợp tác trong buổi làm việc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.