(HNM) - Trong giai đoạn mở cửa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là giai đoạn 2007-2012, kinh tế Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, khẳng định vị thế hàng đầu của Thủ đô trong đời sống kinh tế cả nước.
Những kết quả đáng ghi nhận
Tổng sản phẩm của Hà Nội trong giai đoạn 2007-2011 tăng trung bình 10,8%; riêng năm 2012 đạt mức 8,1%, tuy thấp hơn so với kế hoạch, nhưng xu hướng tăng trưởng của quý sau luôn cao hơn quý trước và cao gấp 1,5 lần so với mức tăng chung của cả nước. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu (XK) trên địa bàn tăng khá nhanh và ngày càng góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH. Hiện, Hà Nội có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) trực tiếp tham gia xuất, nhập khẩu với các đối tác ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng XK bình quân đạt 21,2%/năm, với cơ cấu hàng XK tiếp tục thay đổi theo hướng giảm dần các mặt hàng thô, nông sản chưa qua chế biến, thay thế bằng sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng "đổ" về Hà Nội khá lớn. Hà Nội hiện có khoảng 2.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 21,9 tỷ USD, trong đó có 10 tỷ USD đã giải ngân. Các chuyên gia cũng đánh giá cao về sự chuyển biến tích cực về chất lượng nguồn nhân lực Hà Nội, với tỷ trọng người lao động đã qua đào tạo cũng như nguồn lực chất xám hàng đầu cả nước. Vì vậy, Hà Nội luôn được các nhà đầu tư lựa chọn để triển khai nhiều dự án đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Hải Anh |
Mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn, nhưng đến nay sức cạnh tranh của các DN nói riêng, nền kinh tế Thủ đô nói chung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Do phần lớn DN trên địa bàn là DN vừa và nhỏ, có quy mô vốn thấp, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, chưa kết hợp được sức mạnh của các DN trong cùng ngành nghề, cùng chuỗi sản xuất; công nghiệp phụ trợ chậm phát triển nên hiệu quả sản xuất, XK chưa cao; hệ thống quản lý phân phối hàng hóa và dịch vụ chưa tốt; tình trạng hàng giả, hàng lậu diễn biến phức tạp… khiến DN Hà Nội phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các DN nước ngoài, thậm chí thua ngay trên "sân nhà".
Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
Nhằm nâng cao năng lực HN KTQT, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND (ngày 4-4-2013) về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả HNKTQT giai đoạn 2013-2015. Trong đó, tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về HNKTQT cho cán bộ, công chức, DN và nhân dân; phổ biến kịp thời những vấn đề mang tính định hướng, tính thời sự về các cam kết HNKTQT mà Việt Nam đã, đang tham gia, nhằm tạo sự đồng thuận cao đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về HNKTQT.
Để phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng bền vững, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm và tìm đối tác. Đồng thời, hỗ trợ DN đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, cung cấp thông tin thị trường và hướng mạnh về XK. Thành phố cũng chủ động nâng cao sức cạnh tranh và chỉ số năng lực điều hành, xác định rõ tiềm năng, cũng như nhu cầu "gọi" đầu tư để xây dựng danh mục dự án đầu tư. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các ngành dịch vụ chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, trong đó có dịch vụ thương mại, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng… Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các cam kết tại các sở, ngành, đơn vị; rà soát sửa đổi những văn bản, cơ chế, chính sách cho phù hợp với các cam kết HNKTQT nhằm tạo môi trường pháp lý minh bạch để tạo thuận lợi cho DN phát triển; đồng thời, thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hoàn thiện quy trình giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông đối với các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, lao động… Từng bước triển khai chính phủ điện tử trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ tổ chức, công dân làm các thủ tục nộp thuế, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa…
Thời gian tới, công tác HN KTQT sẽ đối diện với nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt hơn nữa. Trước tình hình đó, chính quyền sẽ luôn đồng hành cùng DN, không ngừng hoàn thiện và nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch; tiếp tục sửa đổi, ban hành những cơ chế, quy định để hỗ trợ DN nội địa gia tăng XK, mở rộng hợp tác và liên kết quốc tế, từ đó chủ động HNKTQT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.