Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Hà Nội không nên sợ khuyết điểm"

Quốc Bình| 22/04/2015 17:01

(HNMO) - Sáng 22-4, tiếp tục thực hiện quy trình xây dựng dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các bộ, ban, ngành TƯ.


Mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, trong công việc hằng ngày, theo từng lĩnh vực, lãnh đạo thành phố thường xuyên trao đổi, tiếp thu ý kiến của các bộ, ban, ngành TƯ. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến góp ý cho Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố có ý nghĩa quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. "Qua 3 hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Báo cáo chính trị, cảm nhận chung là các ý kiến đều hết sức thẳng thắn, trung thực, đặc biệt là các ý kiến góp ý về những hạn chế, yếu kém. Chúng tôi thực sự mong muốn được lắng nghe những ý kiến phong phú, đa dạng, phong phú như vậy của các đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành để hoàn thiện báo cáo này" - Bí thư Thành ủy đề nghị.

Toàn cảnh hội nghị.


Trong gần 4 giờ diễn ra hội nghị, 13 đồng chí thứ trưởng hoặc cấp tương đương đã trực tiếp phát biểu ý kiến góp ý cho Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, bài bản của Tiểu ban Văn kiện của Đảng bộ Thành phố, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những điểm cần điều chỉnh.

Phó trưởng Ban Đối ngoại TƯ Nguyễn Tuấn Phong phân tích: "Hà Nội lúc nào cũng có hai vai. Có những cái Đảng bộ Thành phố làm cho mình. Nhưng có những cái đại diện cho cả nước để làm. Nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng số lượng cán bộ các đồng chí cũng không hơn các tỉnh bao nhiêu. Đó là chưa kể, ở Hà Nội còn có các bộ, ban, ngành, nhiều việc không phải của Thành phố, nhưng ai phê bình đều nghĩ ngay thuộc về Hà Nội; thành phố phải gánh đầu tiên". Theo Phó trưởng Ban Đối ngoại TƯ Nguyễn Tuấn Phong, người ta thường đòi hỏi cao đối với Hà Nội, nhưng lại không thấy hết được những đặc thù của Thủ đô. Từ việc nhỏ ở tổ dân phố đến những việc lớn của thành phố đều ở trong mối quan hệ đa chiều, nhiều hướng, gây khó khăn cho công tác quản lý của thành phố. "Phải đặt vào vị trí người làm công tác lãnh đạo, quản lý ở Thủ đô mới thấy hết được cái vướng víu, khó khăn" - đồng chí Nguyễn Tuấn Phong nói.

Đó là theo dự thảo Báo cáo Chính trị, chủ đề Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố là "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại". Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Tô Quang Thu nhận định: "Chủ đề với 4 mệnh đề rất rõ ràng, mạch lạc, khó có thể bác bỏ, nhưng vẫn thiếu màu sắc của Thủ đô. Mệnh đề thứ ba cần nghiên cứu thêm, tôi cảm thấy một nửa mang tính toàn quốc, nửa sau mang tính Hà Nội". Trong khi đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Nhân văn Phạm Văn Đức đề nghị, nên tính toán để bổ sung yếu tố dân chủ, kỷ cương và hội nhập quốc tế vào chủ đề đại hội. Đồng chí cũng cho rằng, phần viết về bài học kinh nghiệm của Dự thảo Báo cáo rất đầy đủ, khó bắt bẻ, nhưng nếu coi đây là bài học chung của cả nước cũng đúng, nên cái thiếu là không rõ bài học kinh nghiệm đặc thù của Hà Nội là gì.

Một số ý kiến còn nhận định, phần đánh giá khuyết điểm hết sức chung chung, trong khi phần phương hướng, nhiệm vụ thì dàn trải.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: "Dù thời gian rất có hạn, nhưng các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành TƯ đã chuẩn bị rất kỹ, đóng góp cho Hà Nội những ý kiến chất lượng, phản ánh trí tuệ, chiều sâu, toàn diện, cũng như trách nhiệm và chia sẻ với Hà Nội. Nhiều đồng chí phát biểu sinh động sâu sắc, khiến chúng tôi thực sự cảm thấy được chia sẻ". Tóm lược những ý kiến góp ý của các đại biểu, Bí thư Thành ủy khẳng định, lãnh đạo thành phố rất trân trọng các ý kiến này và sẽ nghiêm túc tiếp thu, làm cơ sở hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo Chính trị. Nhấn mạnh những góp ý về phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Tôi cảm nhận các đồng chí chưa đồng tình phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm trong dự thảo Báo cáo. Tôi sẽ chỉ đạo để viết lại cho nổi, rõ phần này. Hà Nội không nên sợ khuyết điểm, phải thấy được hạn chế, khuyết điểm để sửa chữa. Nhất là với tinh thần chia sẻ của các bộ, ban, ngành, thì không lý do gì không dám chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Hà Nội không nên sợ khuyết điểm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.