Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 37.568 trường hợp, 7 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết.
Trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 54 trường hợp mắc bệnh, giảm 38 trường hợp so với tuần trước đó.
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong thời gian vừa qua đã giảm mạnh so với thời điểm trước.
Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đã được khống chế, số mắc chỉ xuất hiện rải rác tại một số xã, phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và phức tạp.
Cán bộ y tế phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN) |
Dự báo, trong thời gian tới, số mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục giảm do thời tiết chuyển sang mùa Đông.
Một điều đáng lo ngại khác là hiện nay trên địa bàn thành phố xuất hiện rải rác một số trường hợp mắc sởi trong đó chủ yếu là trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng sởi hoặc chưa đi tiêm phòng đầy đủ vắcxin phòng bệnh sởi.
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 8 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có 3 trường hợp mắc sởi. Lũy tích năm 2017 đến nay đã có 226 trường hợp sốt phát ban, 1 trường hợp tử vong (trong đó có 80 trường hợp dương tính với sởi, 1 tử vong).
Để chủ động phòng chống dịch bệnh này, ngành Y tế Hà Nội và các hộ gia đình cần tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh và vệ sinh môi trường xung quanh để giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường triển khai tiêm chủng bổ sung vắcxin phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm, đồng thời triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên theo quy định. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phát sinh ổ dịch mới theo quy định.
Các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời cho bệnh nhân sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết...
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.