(HNM) - Những năm qua, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng mô hình trồng rau an toàn ở các huyện, tạo thu nhập cho nông dân và nguồn rau sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Qua đó, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Dựa vào nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các huyện của Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có phát triển những vùng trồng rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Theo bà Hoàng Thị Minh, ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), gia đình bà trồng 1 sào rau an toàn, chủ yếu là các loại: Cải ngồng, cải ngọt, các loại rau ăn lá… bán giá bình quân 8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 10-12 triệu đồng/sào, cao hơn 10% so với rau trồng theo cách truyền thống.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm), toàn xã hiện có 250ha rau, trong đó 150ha trồng theo hướng an toàn. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật, rau an toàn ở Đặng Xá tiêu thụ mạnh tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, bếp ăn tập thể. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 15 tấn rau ăn lá các loại, cao điểm có ngày lên tới 100 tấn (chủ yếu những tháng mùa đông).
Về hiệu quả của các mô hình sản xuất rau an toàn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhận xét: Đến nay, diện tích rau an toàn trên địa bàn thành phố được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 5.044ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Diện tích rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha. Nhìn chung, sản phẩm rau an toàn bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; hiệu quả kinh tế cao hơn rau thường 10-20%, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, khoảng 1.200ha đạt giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm do sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ…
“Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, thông qua tập huấn kỹ thuật và được tuyên truyền, vận động, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau an toàn từ 60% trở lên, giảm 30% số lần sử dụng thuốc; chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau an toàn giảm 50%, nông dân đã tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm” - ông Nguyễn Mạnh Phương nói.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất rau an toàn, thành phố đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới sản xuất rau an toàn đến năm 2020, theo đó diện tích sản xuất rau an toàn đạt 16.276ha, hình thành 151 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với diện tích 6.644ha (trung bình 44ha/vùng)… Hướng tới mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các huyện rà soát chuyển đổi những vùng có lợi thế trồng rau an toàn; thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho người dân. Cùng với đó, Sở tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết hài hòa lợi ích giữa các khâu, có thể chứng minh và truy tìm nguồn gốc; đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản nói chung và rau an toàn nói riêng.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các địa phương chú trọng phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn xa chợ đầu mối. Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn theo hình thức: Bố trí quầy rau an toàn tại các khu dân cư, hỗ trợ mở quầy bán rau an toàn tại các chợ khu vực nội thành; phối hợp với các siêu thị nhằm tăng sản lượng rau an toàn qua kênh phân phối hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.