(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 329/KH-UBND về việc tặng quà tới các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Hà Nội dự kiến tặng quà cho 1.082.204 người với tổng kinh phí là 554.119.400.000 đồng. Trong đó, mức quà tặng cá nhân (bằng tiền mặt) 2.000.000 đồng/người dành tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh tổn thương cơ thể từ 21% trở lên; bệnh binh tổn thương cơ thể từ 41% trở lên; thương bệnh binh của thành phố Hà Nội hiện đang được nuôi dưỡng tại 7 trung tâm thuộc các tỉnh liền kề.
Mức quà tặng 2.000.000 đồng cũng được gửi tới các đối tượng là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 (lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (Tiền khởi nghĩa); người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng (trường hợp người đứng tên trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc bằng “Có công với nước” đã mất thì đại diện vợ, chồng, con được nhận); đại diện thân nhân của liệt sĩ (bố, mẹ, vợ, chồng, con, người có công nuôi); thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Trường hợp 1 cá nhân thuộc các đối tượng người có công nêu trên thì chỉ nhận 1 suất quà tặng.
Mức quà 1.000.000 đồng/người được gửi tới con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng; con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của thành phố Hà Nội đang được nuôi dưỡng tại 7 trung tâm thuộc các tỉnh liền kề; đại diện thờ cúng liệt sĩ (1 liệt sĩ/1 suất quà); quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 đang hưởng trợ cấp hằng tháng; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20-8-2010 đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-1-2011 đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức quà tặng 1.000.0000 đồng/người cũng dành tặng nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (cô đơn, không hưởng trợ cấp hằng tháng) theo đề xuất của Hội cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội cũng dành quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi. Cụ thể, mức 1.200.000 đồng/người được áp dụng với người cao tuổi trên 100 tuổi (sinh trước năm 1923); mức 1.500.000 đồng/người (đã bao gồm 5 mét vải lụa) áp dụng với người cao tuổi tròn 100 tuổi (sinh năm 1923). Mức 1.000.000 đồng/người áp dụng đối với người cao tuổi tròn 90, 95 tuổi (sinh năm 1933, 1928). Mức 700.000 đồng/người gửi tới người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85 (sinh năm 1953, 1948, 1943, 1938).
Bên cạnh đó, mức quà 500.000 đồng/người được gửi tới người lao động có hoàn cảnh khó khăn (theo đề xuất của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội). Hộ nghèo được tặng mức quà 500.000 đồng/hộ; hộ cận nghèo được tặng mức quà 300.000 đồng/hộ. Mức quà 300.000 đồng/người được gửi tới người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng.
Trường hợp tặng quà thuộc đối tượng chính sách người có công; đối tượng hưởng theo các Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008, số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20-8-2010, số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011, thanh niên xung phong, đồng thời là đối tượng bảo trợ xã hội thì chỉ được hưởng một chế độ tặng quà cao nhất (trừ quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi).
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch tặng quà 87 đơn vị, mỗi suất quà trị giá từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng; tặng 150 suất quà cá nhân tiêu biểu, mỗi suất 6.000.000 đồng. Và tặng quà 500.000 đồng/người bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên phục vụ trực tiếp; bổ sung tiền ăn cho các đối tượng đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung trong các ngày Tết tại các trung tâm chữa trị và nuôi dưỡng đối tượng xã hội tập trung thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bệnh viện 09 - Sở Y tế.
Ngoài quà tặng của thành phố, các địa phương tùy vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình chính sách xã hội khó khăn trên địa bàn quản lý, bảo đảm các đối tượng đều có Tết.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tuyên truyền, triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch này; phối hợp với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, tặng quà tới các tổ chức, cá nhân tiêu biểu theo nhiệm vụ được phân công; tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố thăm và tặng quà Ban Đại diện các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày thành phố Hà Nội, Khu điều dưỡng cán bộ tại Đại Lải, Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 Hà Nội; kiểm tra việc thăm hỏi, tặng quà, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm trong việc thực hiện chính sách tặng quà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.