(HNM) - Để thực hiện mục tiêu “100% các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11-2019...”, Hà Nội đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và bước đầu có những tín hiệu tích cực, đáng ghi nhận. Phong trào chống rác thải nhựa, "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Cơ quan, công sở gương mẫu đi đầu
Tháng 6-2019, tại Hà Nội, trong Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành, doanh nghiệp và mỗi người dân... chung tay chống rác thải nhựa.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, thúc đẩy việc chống rác thải nhựa trong cộng đồng, thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 3549/UBND-ĐT ngày 19-8-2019 về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố. Công văn yêu cầu từ ngày 1-9-2019, phải cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Tiên phong trong việc cắt giảm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã loại bỏ hoàn toàn chai nước nhựa trong các cuộc họp, thay bằng cốc và bình nước thủy tinh; đồng thời, hạn chế việc sử dụng túi nhựa đựng tài liệu, văn bản, giấy tờ… “Việc làm này vừa tiết kiệm ngân sách vừa nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người lao động về trách nhiệm bảo vệ môi trường” - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần gần như không còn xuất hiện tại các cơ quan, đơn vị, cũng như các hội nghị, hội thảo... của thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký “Kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại một số trường học trên địa bàn thành phố năm học 2019-2020” với 637 trường học tham gia.
“Trong vỏ hộp sữa có 75% là giấy, còn lại là nhôm, ni lông kèm với ống hút nhựa... khó phân hủy nên cần được thu gom riêng để xử lý” - cô giáo Phan Thu Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 3D, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết.
Ông Nguyễn Thành Huynh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) thông tin, xã đã mua 1 máy lọc nước và 300 chai thủy tinh đựng nước thay chai nước nhựa tại các cuộc họp của xã và các thôn. Việc làm này được cán bộ và nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.
Nhiều doanh nghiệp cũng có những hành động tích cực, hiệu quả góp sức ngăn chặn rác thải nhựa. Khách sạn Fortuna (quận Ba Đình) đã cắt giảm được 238.860 chai nhựa, 73.000 ống hút nhựa, 36.648kg túi nhựa. Tập đoàn Unilever Việt Nam phấn đấu mỗi năm cắt giảm 100 tấn nhựa thông qua việc giảm thành phần nhựa sản xuất bao bì, tiến tới không dùng nhựa trong sản xuất...
Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể nhận định: Những hành động cụ thể chống rác thải nhựa và "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị... đang lan tỏa sâu rộng trên toàn thành phố.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi, mỗi ngày Hà Nội có từ 4.000 đến 5.000 tấn rác được thải ra, trong đó có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Lượng rác thải nhựa vẫn còn rất lớn, ô nhiễm nhựa vẫn đang là thách thức với môi trường.
Đồng tình với nhận định này, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mai Đình Nguyễn Thành Huynh cho biết: “Nhiều sản phẩm sử dụng hằng ngày như mì gói, bánh kẹo, xà phòng... đều được bao gói bằng ni lông, nhựa, người tiêu dùng biết là không tốt nhưng vẫn phải mua về sử dụng. Do vậy, các nhà sản xuất cần nghiên cứu, thay đổi các bao bì thân thiện với môi trường hơn”.
Xác định rõ nguyên nhân phát sinh rác thải nhựa, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể ở những cấp độ khác nhau. Mới đây nhất, ngày 25-10-2019, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, đặt mục tiêu 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11-2019.
Đồng thời, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa; tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa. Đến ngày 31-12-2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni lông.
Thực hiện chỉ đạo này, hiện tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đều đã có kế hoạch giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, Thành phố tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các mô hình thu gom, tái chế chất thải nhựa, như: Thu gom vỏ hộp sữa giấy trong trường học; thu gom cốc, uống hút nhựa (tại một số chuỗi cửa hàng đồ uống)... Thời gian tới, thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần chuyển sang dùng nguyên liệu sản xuất thân thiện hơn với môi trường...
Đẩy lùi rác thải nhựa, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức của mỗi người. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho rằng, để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, cần có sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu các đơn vị, đặc biệt là việc phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên...
Nếu mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị... giảm thiểu sử dụng ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, chắc chắn Hà Nội sẽ bảo đảm thực hiện được quan điểm nhất quán: Kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho phát triển bền vững và là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Báo Hànộimới không sử dụng nước uống đóng chai nhựa trong các cuộc họp; giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông trong hoạt động mua sắm tại cơ quan; đồng thời tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên về việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông. Công đoàn Báo đã lên kế hoạch mua tặng các công đoàn viên nữ làn nhựa được làm từ sợi dây điện phế thải để sử dụng khi đi chợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.