Côn Đảo và Phú Quý là 2 huyện đảo có lượng khách du lịch đông, phát sinh nhiều rác. Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng, 2 huyện đảo đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.
Yêu cầu cấp thiết
Theo UBND huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), công tác giảm thiểu rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng từ nhiều năm qua là mảng công tác quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Huỳnh Trung Sơn thông tin, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện dao động từ 24-27 tấn/ngày. Hơn 200 cơ sở lưu trú, nhà hàng… trên địa bàn đang phát thải gần 42% lượng rác thải nhựa của huyện đảo. Hiện lượng rác tồn đọng tại bãi Nhát (đảo lớn Côn Sơn) khoảng hơn 70.000 tấn, chưa được xử lý… Đây là những khó khăn, thách thức về môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Tại Bình Thuận, đảo Phú Quý cũng là một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo UBND huyện Phú Quý, lượng khách đến đảo năm 2023 là hơn 150.000 lượt, vượt xa so với 95.300 lượt khách năm 2022 và 40.151 lượt khách năm 2021, kéo theo lượng rác phát thải lớn, gây nhiều khó khăn cho địa phương trong thu gom xử lý để bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo "Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) khảo sát, công bố năm 2022, ước tính lượng rác thải từ các tỉnh ven biển của Việt Nam đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm. Rác thải nhựa chiếm tới 95,4% tổng lượng chất thải rắn tại một số vùng biển ô nhiễm ở Việt Nam. Rác thải nhựa liên quan đến đựng đồ ăn mang đi của người dân và du khách chiếm phần lớn ở các địa điểm ven biển với hơn 42% về số lượng và hơn 36% về khối lượng.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tăng gấp ba lần trong 7 năm tới, gây áp lực lớn đến môi trường.
Những việc làm thiết thực
Từ tháng 3-2022 đến nay, Côn Đảo là địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia Sáng kiến "Đô thị giảm nhựa" do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng với cam kết nỗ lực giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025 và hướng đến không rác thải nhựa vào năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Huỳnh Trung Sơn thông tin, để hưởng ứng, các cấp, các ngành của Côn Đảo đã triển khai nhiều mô hình như: Ngày thứ Bảy xanh - sạch - đẹp, Ngôi nhà xanh, mô hình Khu dân cư không rác thải nhựa, trường học không rác thải nhựa…, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường tại Côn Đảo.
Chị Huỳnh Thị Nghĩa, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ chị và nhiều du khách khác rất đồng tình khi được nhân viên tại các di tích lịch sử, điểm du lịch tâm linh tại Côn Đảo nhắc nhở tuân thủ nguyên tắc “3 không”, gồm: Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần như chai nhựa, túi nilon và các loại rác khó phân hủy. Hạn chế tối đa việc dâng cúng, thắp hương và hóa giấy tiền mã Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Đền thờ Côn Đảo và Bảo tàng Côn Đảo để góp phần bảo vệ môi trường cho huyện đảo.
Ngày 9-12 vừa qua, UBND huyện Côn Đảo và WWF Việt Nam đã ra mắt mô hình check-in "Du lịch giảm nhựa" tại Côn Đảo… Dự án nhằm truyền tải thông điệp du lịch giảm thải nhựa đến người dân, du khách và doanh nghiệp, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, hướng tới nói không với rác thải nhựa tại Côn Đảo vào năm 2030.
Còn Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh, cho biết chính quyền địa phương và ngành Du lịch đã thống nhất thực hiện phát triển bền vững với “Du lịch xanh”, xây dựng huyện đảo Phú Quý “Xanh - Sạch - Đẹp” bằng những việc làm thiết thực. Chương trình sẽ được thực hiện liên tục từ nay đến năm 2030.
Điển hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Quý tổ chức hằng năm “Ngày hội tái chế thu gom túi nilon đã qua sử dụng được làm sạch và các vật dụng tái chế”. 6 chủ tàu thường xuyên đưa khách du lịch ra đảo cam kết không dùng túi nilon.
Chị Bùi Hương Giang, đoàn viên Đoàn xã Ngũ Phụng (huyện Phú Quý) cho biết, các đoàn viên thanh niên thường xuyên tuyên truyền mô hình “chợ không rác thải nhựa” với tiểu thương và người đến chợ; duy trì việc đổi 15 chai nhựa lấy 1 cây xanh, hoặc sách, vở; đổi 20 chai nhựa lấy túi xách bảo vệ môi trường… nhằm góp phần tăng cường nhận thức và hành động của cộng đồng cùng bảo vệ môi trường.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh nhấn mạnh: "Phú Quý kiên trì mục tiêu tăng trưởng xanh và ưu tiên thu hút doanh nghiệp cùng địa phương xây dựng nền kinh tế xanh, tạo hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn và bảo vệ môi trường".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.