(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về những vi phạm đê điều nghiêm trọng, nhiều năm chưa được xử lý đang xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Báo cáo chỉ rõ, công tác xử lý vi phạm đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng vi phạm được xử lý dứt điểm ít, còn nhiều tồn đọng, nhiều vụ vi phạm phát sinh có tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Bãi chứa vật liệu xây dựng tại xã Liên Mạc (Từ Liêm) nằm trên hành lang bảo vệ đê hữu sông Hồng. Ảnh: Chí Đạo |
Vi phạm phức tạp và nghiêm trọng
Đi dọc tuyến đê hữu sông Hồng từ huyện Từ Liêm qua Thanh Trì, xuôi xuống các huyện Thường Tín, Phú Xuyên ai cũng xót lòng trước tình trạng xâm hại hệ thống đê quan trọng nhất miền Bắc chạy qua Thủ đô. Tại điểm "nóng" trên đoạn đê sông Hồng qua xã Thượng Cát (Từ Liêm) đến xã Lĩnh Nam (Thanh Trì), hàng chục điểm trung chuyển vật liệu xây dựng cùng những điểm khai thác cát hoạt động liên tục. Trên các tuyến đê, xe tải rầm rập chạy suốt ngày đêm, cày xới mặt đê không thương tiếc, thân đê bị ảnh hưởng. Các khu vực khác như thượng và hạ lưu cầu Thăng Long (Từ Liêm); phường Bồ Đề (Gia Lâm); xã Hải Bối (Đông Anh); xã Thống Nhất, Vạn Điểm (Thường Tín); xây dựng lò gạch, đổ phế thải ở bờ hữu sông Hồng khu vực các xã Hồng Thái, Phú Minh (Phú Xuyên)… Tình trạng xây dựng mới, sửa chữa, cơi nới mở rộng diện tích nhà xưởng, công trình, đổ phế thải trái phép, không phép cũng xảy ra trên bãi sông Hồng (huyện Từ Liêm) của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ du lịch Chèm và Công ty cổ phần Thương mại Nam Thăng Long… Những địa phương có nhiều vụ vi phạm dạng này là Ứng Hòa, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn…
Vấn đề rất nghiêm trọng ở chỗ, các trường hợp vi phạm này đã, đang ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ thoát lũ của các dòng sông, ổn định bờ, bãi sông và an toàn đê điều. Thời gian gần đây đã xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng như vào tháng 10-2010, đoạn đê hữu sông Hồng thuộc địa bàn phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) bị sạt lở dài 150m, lấn sâu vào bờ khoảng 100m, vị trí đỉnh sạt chỉ còn cách chân đê từ 30m đến 40m; tháng 7-2012, tại K5+200 - K5+500 đê hữu Hồng, xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) xảy ra sạt lở dài khoảng 280m, khiến dòng chảy sông Hồng chỉ còn cách bờ sông 3m đến 5m… Cũng trong tháng 7 và 8-2012 đã xảy ra nhiều vụ sạt lở trên bãi sông Hồng, sông Đuống đe dọa đến đê điều và ảnh hưởng cuộc sống của nhiều hộ dân.
Dân "nhờn" luật, chính quyền làm ngơ
Bộ NN&PTNT đã thành lập hai đoàn thanh tra, kiểm tra vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn TP trong năm 2010 và 2012 và đã có kết luận, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện ngăn chặn, xử lý triệt để. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Hà Nội xử lý nghiêm vấn đề này. Ngày 25-3-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 447/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê. Sau đó, Bộ đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, đề nghị xử lý vi phạm và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng. Từ tháng 6-2010 đến nay, Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng trực thuộc đã có 13 văn bản gửi các cơ quan của TP Hà Nội đôn đốc, đề nghị xử lý vi phạm nhưng kết quả vẫn rất hạn chế. Theo thống kê của đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT, từ năm 2008 đến tháng 4-2012, trên địa bàn TP đã xảy ra tổng số hơn 1.616 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 741 vụ, còn tồn đọng 875 vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn TP đã phát sinh 128 vụ vi phạm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, để xảy ra tình trạng vi phạm đê điều nghiêm trọng và tràn lan ở Hà Nội hiện nay là do ý thức chấp hành pháp luật đê điều và PCLB của một bộ phận dân cư, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế, thậm chí cố tình vi phạm, coi thường pháp luật, làm ngơ trước các quyết định đình chỉ, cưỡng chế của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng chỉ rõ, sự phối hợp trong thực hiện trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật giữa các cấp, ngành trên địa bàn TP chưa chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp phường, xã một số nơi còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm. Thậm chí, một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn cho phép thực hiện các hoạt động trên hành lang bảo vệ đê không đúng thẩm quyền. Việc giao, cho thuê đất, cấp phép các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê nhiều nơi chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm tính pháp lý, không phù hợp với pháp luật về đê điều và chống lụt bão. Thêm nữa, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, thực hiện các văn bản chỉ đạo ngăn chặn, hiệu quả xử lý vi phạm của cơ quan thẩm quyền còn rất hạn chế vì trong quá trình triển khai chưa nghiêm túc, chưa có tính răn đe. Trong khi đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát còn mang tính hình thức nên việc xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, các quyết định cưỡng chế chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng xem xét ban hành văn bản yêu cầu Hà Nội thực hiện việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm, bảo đảm hành lang thoát lũ và an toàn đê điều trong mùa mưa bão.
Kết quả xử lý sẽ báo cáo về Bộ NN&PTNT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Hồng và sông Bùi (HNM) - UBND huyện Ba Vì vừa có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý khẩn cấp 3 điểm sạt lở nghiêm trọng mới xuất hiện ở khu vực bờ sông Hồng thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì. Tại vị trí K23+656 đến K23+800 bờ sông Hồng, cung sạt cách chân đê 200m, dài 23m, rộng 3-5m, sâu 1,5m. Đoạn từ K24+100 đến K24+250 cung sạt cách chân đê 50m, dài 60m, rộng 0,5-3m, sâu 0,4-1,2m. Đặc biệt, cung sạt từ K24+650 đến K24+860 rất nguy hiểm, do vị trí này chưa kè đá hộ chân, hiện đang xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún nghiêm trọng, cung sạt cách chân đê 200m, rộng 5-20m, sâu 0,5-2m, dài 210m nằm dọc theo bờ sông Hồng, vết nứt gần nhất cách nhà dân chỉ 5m. * Do ảnh hưởng của mưa lũ, úng ngập đã làm sạt lở khoảng 400m bờ tả sông Bùi. Vị trí sạt lở xảy ra tập trung từ đầu kè cũ đến cuối thôn Khảm Lâm. Mức độ sạt lở ngày càng nguy hiểm, đang áp sát vào thân đê đe dọa an toàn công trình xây dựng, tính mạng của người dân địa phương. Cũng liên quan đến các sự cố đê điều trên địa bàn huyện Mỹ Đức, UBND thành phố đôn đốc Sở NN&PTNT chuyển văn bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý sạt lở bờ hữu sông Đáy, đoạn qua xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở bờ tả sông Bùi, tại xóm 1, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức để xác định biện pháp xử lý. Thúy Nga - Sơn Tùng |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.