Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNN), tính đến ngày 24-9-2024, đợt mưa lũ lớn do bão số 3 đã gây ra 795 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, trong đó có 432 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên và 363 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III.
Tại Hà Nội, bão số 3 gây mưa lớn và việc xả lũ từ hồ thủy điện trên thượng nguồn khiến mực nước sông Hồng có thời điểm gần đạt mức báo động 3 - mức cao nhất từ năm 2003 đến nay. Trên sông Cầu, sông Cà Lồ, lũ đã vượt mức đỉnh lịch sử ghi nhận năm 1971 - trên báo động 3 là hơn 2m. Các sông Tích, sông Bùi cũng đều ghi nhận mức lũ lịch sử cao hơn báo động 3 trong nhiều ngày và đến nay trên hệ thống sông này vẫn đang có lũ ở mức báo động 2, báo động 3. Tình trạng này đã gây ra 36 sự cố đê điều (thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, đến ngày 24-9-2024) tại một số vị trí xung yếu trên hệ thống đê sông của Hà Nội.
Với sự chủ động triển khai “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), hầu hết các sự cố đê điều của toàn miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đã được phát hiện từ sớm, ứng phó kịp thời. Vì vậy, đến thời điểm này, hệ thống đê điều trên các sông bảo đảm an toàn phòng, chống lũ trên các cấp báo động.
Như vậy, bão số 3 và hoàn lưu gây mưa lũ lớn vừa qua là “phép thử” quan trọng đối với hệ thống đê điều trên các sông ở khu vực miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Do vậy, trước mắt, các địa phương cần tránh tuyệt đối tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút đi thường sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Theo đó, với các sự cố đã xảy ra, các địa phương cần tập trung nguồn lực xử lý ngay để bảo đảm an toàn chống lũ.
Về lâu dài, với thực tế hàng trăm sự cố đê điều xảy ra trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, cơ quan chức năng cùng các địa phương cần khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đê để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục và nâng cấp bảo đảm an toàn công trình. Việc củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông cần bảo đảm chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3 vừa qua, lũ trên sông vượt lịch sử; bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị quyết số 24-NQ/TƯ Ban Chấp hành Trung ương ngày 3-6-2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, là bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông.
Tại Hà Nội, nơi có hệ thống đê điều quy mô lớn và đặc biệt quan trọng, với 626,5km đê được phân cấp và 132,8km đê chưa phân cấp; trong đó, thành phố có hơn 37km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt… Hệ thống đê điều tại Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ thành phố trước thiên tai, mà còn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Vì thế, công tác quản lý và bảo trì, nâng cấp hệ thống đê điều là nhiệm vụ không chỉ riêng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, mà cần sự chung sức, đồng lòng của toàn dân. Theo đó, cùng với việc nâng cấp, giữ an toàn hệ thống đê điều, công tác tuyên truyền về Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai cần tiếp tục được tăng cường nhằm tạo hiệu ứng tích cực, giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng lấn chiếm, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê điều trong nhân dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tập trung kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều để xử lý nghiêm, đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thoát lũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.