(HNMO) - Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada, còn được biết đến với tên gọi CETA, sẽ xóa thuế đối với gần như toàn bộ hàng hóa giao thương giữa khối này với Canada.
Ngày 18-2 (giờ địa phương), Hạ viện Hà Lan đã thông qua Hiệp định Kinh tế và Thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada trong bối cảnh các đảng đối lập phản đối vì những lo ngại liên quan đến việc bảo hộ nhà đầu tư, chất lượng an toàn thực phẩm và vấn đề ô nhiễm môi trường.
Dù đã được Hạ viện Hà Lan chấp thuận, CETA vẫn đối diện nhiều “sóng gió” do vẫn cần được Thượng viện nước này thông qua. Dự kiến, Thượng viện Hà Lan sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về CETA trong thời gian tới.
Theo thỏa thuận, CETA khi chính thức có hiệu lực sẽ xóa bỏ rào cản thuế quan đối với 99% hàng hóa giao dịch giữa EU và Canada, theo lộ trình có thể kéo dài tới 7 năm. Thực tế, CETA đã có hiệu lực tạm thời từ tháng 9-2017 nhưng đến nay mới nhận được sự ủng hộ từ Canada và 13 trong tổng số 27 quốc gia thành viên của EU.
Theo CNBC, những người ủng hộ CETA cho rằng, hiệp định này là nền tảng quan trọng đối với các thỏa thuận giao thương trong tương lai. Trong khi đó, nhóm phản đối tuyên bố CETA là thỏa thuận không công bằng đối với các công ty đa quốc gia, có nguy cơ hạ thấp những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật và bảo vệ môi trường.
Những ý kiến chỉ trích CETA đã tạo ra một liên minh gồm những nhà hoạt động môi trường, những người đấu tranh cho quyền lợi động vật và các đảng cực hữu phản đối EU tại Hà Lan. Về mặt lý thuyết, CETA có thể bị hủy bỏ nếu một quốc gia thành viên của EU bác bỏ hoàn toàn hiệp định này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.