Số liệu thống kê mới nhất cho biết, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 17.600 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.000 người, làm bị thương 13.100 người.
Mặc dù đã giảm tới 9,7% về số người chết so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số nói trên vẫn rất đáng báo động. Phân tích về nguyên nhân, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, 80% số vụ tai nạn là do người điều khiển giao thông vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường, không chú ý quan sát...
Tai nạn giao thông có thể xảy ra bất ngờ, nhưng thường bắt nguồn từ việc không tuân thủ các quy định của người tham gia giao thông. Đi trên đường, hẳn không ít lần chúng ta bị giật thót mình khi xe phía sau vượt phải vút qua mà không hề cảnh báo. Thường ngày còn vô số hành vi khác cho thấy sự chủ quan, coi thường các quy tắc an toàn. Cũng vô tư tương tự là hình ảnh không ít người đi xe đạp, xe máy, thậm chí ô tô vì ngại vòng xa nên liều lĩnh đi ngược chiều. Đó còn là hình ảnh người ta vừa lái xe vừa nghe, gọi điện thoại rôm rả. Cánh lái xe còn đua nhau mua những chiếc đầu cắm nhằm tắt cảnh báo để khỏi phải thắt dây an toàn trên xe ô tô. Rồi tàu hỏa thì đang lao tới, barie đã hạ xuống mà xe máy, có khi cả ô tô vẫn cố tình lao qua...
Đáng lên án là những hành vi mất an toàn như vậy đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại và phổ biến. Không ít người khi được nhắc nhở thì tỏ vẻ bất cần bằng những câu kiểu như “sợ gì?”, “có sao đâu”... Dường như không ít người đang tồn tại cách nghĩ, cách ứng xử rằng phải như thế thì mới là “chất”, còn nếu tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn giao thông thì sẽ "đánh mất mình".
Tư duy phản cảm, thờ ơ như trên không chỉ tồn tại trong lĩnh vực giao thông, mà còn khá phổ biến ở không ít môi trường, lĩnh vực khác, trở thành một thứ “rào cản” vô hình ngăn trở xây dựng lối sống an toàn. Thế mới có chuyện, một số người dù tham gia mấy lớp hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy nhưng khi thực hành diễn tập vẫn lúng túng không biết làm gì, cầm bình cứu hỏa lên tay mà loay hoay rút chốt mãi không xong. Không ít người coi nếu nghiêm túc ngồi lắng nghe lực lượng chức năng tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền kỹ năng an toàn thì sẽ không còn là mình. Đối với họ, thay vì chăm chú, phải lơ đãng một chút, nói chuyện riêng một tí hay lướt lướt điện thoại mới là “đúng kiểu”. Nhiều trường hợp biết nhà mình "ba lô chuồng cọp" rất nguy hiểm, nhưng nhất quyết không chịu sửa chữa cho phù hợp; Thành phố hướng dẫn mỗi nhà nên tự xây dựng, triển khai phương án phòng, cháy, chữa cháy và thoát hiểm cho gia đình mình thì không chịu làm... Đến khi xảy ra sự cố, thấy sai thì đã muộn rồi.
Chứng kiến siêu bão Yagi ở Việt Nam hay Milton ở Hoa Kỳ vừa qua, chúng ta càng thấu hiểu, con người thật sự là quá nhỏ bé, bởi vậy việc không ngừng trau dồi các kỹ năng an toàn, xây dựng lối sống an toàn là hết sức cần thiết.
Để làm được điều đó, việc đầu tiên chúng ta phải loại bỏ tâm lý thờ ơ, chủ quan trước sự an toàn của cộng đồng và của chính bản thân mình, gia đình mình, sẵn sàng mở lòng để học hỏi, nhất là tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, tiếp thu sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng... Tất cả phải nhằm nâng cao kỹ năng sống an toàn cho mình, cho gia đình, không chỉ trong cuộc sống hằng ngày, mà còn trang bị chủ động sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai, sự cố...
Khi mỗi người, mỗi gia đình đều có ý thức xây dựng lối sống an toàn sẽ góp phần hình thành nên một cộng đồng, một xã hội ngày càng an toàn. Và chỉ có chuyển biến theo cách căn bản như thế, con số tai nạn và thương vong trong lĩnh vực giao thông hay cháy nổ mới có thể giảm mạnh, để mỗi lần đọc, nghe những con số thống kê thiệt hại về người và tài sản, chúng ta sẽ không còn phải quá xót xa như bây giờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.