Giao thông

Quy định mới trong xử phạt vi phạm an toàn giao thông: Đáp ứng tình hình thực tiễn

Dương Hiệp 22/10/2024 - 06:46

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe có đề xuất quy định mới xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người đi xe đạp, hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu và đưa quy định trừ điểm bằng lái xe vào thực hiện…

Những nội dung này là hết sức cần thiết, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.

csgt.jpg
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển ô tô tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Thế Kỷ

Từ thực tiễn vẫn xảy ra nhiều vi phạm

Mặc dù việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện đã tạo sức răn đe, nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, song Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, điều này không có nghĩa là không có vi phạm. Vì vậy, các tổ công tác xử lý linh hoạt với phương châm không bỏ lọt địa bàn, và thực tế vẫn phát hiện không ít vi phạm, ngay cả với người điều khiển phương tiện vận tải hành khách.

Chẳng hạn, vào chiều 1-10, tổ công tác do Đại úy Nguyễn Việt Hòa, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 5 - Phòng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy giao thông tại khu vực phía Bắc cầu Chương Dương (quận Long Biên) phát hiện lái xe taxi có biểu hiện say rượu, đã tiến hành kiểm tra. Đúng như phán đoán, kiểm tra qua máy đo, lái xe D.V.D (sinh năm 1981, ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,091 miligram/lít khí thở.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông trong 9 tháng đầu năm 2024, số vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông giảm còn 5.834 trường hợp. Con số này có giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, từ thực tế xử lý vi phạm với nhiều trường hợp, tình huống không theo quy luật, Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông nhận định, những quy định mới trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe do Bộ Công an soạn thảo thể hiện sự cương quyết trong việc xử lý các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường cao tốc và liên quan đến hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe. Nếu được ban hành, các quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân, bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu tai nạn.

Ban hành nghị định là cần thiết

Liên quan đến mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong dự thảo Nghị định, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan, nhà khoa học và người dân.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất giữ nguyên mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm về nồng độ cồn như quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, liên quan đến mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, việc giữ nguyên mức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng quy định như hiện hành (từ 400 đến 600 nghìn đồng) vẫn phù hợp với thực tế và có tính răn đe.

Là một lái xe công nghệ, anh Nguyễn Hòa Thanh (sinh năm 1977, ở quận Cầu Giấy) bày tỏ quan điểm: “Trong cuộc sống, có lúc việc sử dụng rượu, bia gần như là thói quen xấu. Chính vì thế, trước đây đã xử lý nghiêm, nay càng nghiêm hơn sẽ tạo tâm lý không còn đem chén rượu, cốc bia ra ép nhau uống”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, khi soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe, Bộ Công an cho biết, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp, vi phạm diễn ra phổ biến, xuất hiện nhiều hành vi mới, có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Cùng với đó, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025… Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay là hết sức cần thiết.

Trong khi chờ dự thảo Nghị định được thông qua, với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, UBND thành phố Hà Nội giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Nếu có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, UBND thành phố Hà Nội sẽ yêu cầu cơ quan quản lý xử lý nghiêm theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới trong xử phạt vi phạm an toàn giao thông: Đáp ứng tình hình thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.