Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

Việt Tuấn| 28/03/2023 06:15

(HNM) - Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội vừa kết thúc đợt giám sát việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua giám sát, Ban đã ghi nhận nhiều kiến nghị của các địa phương từ thực tiễn, nhằm đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả hơn.

Thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại huyện Thường Tín.

Còn nhiều vướng mắc, bất cập

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân cho biết, giám sát tại 5 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa về việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố “Về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội”, Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 của HĐND thành phố “Về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội”.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ mai một. Các làng nghề chưa khai thác tốt tiềm năng du lịch trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề; khó tiếp cận vốn ưu đãi do quy định về đất đai chưa cởi mở...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cũng chia sẻ, vì hỗ trợ từ ngân sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thủy sản ứng dụng công nghệ cao không cụ thể nên các ngành chưa thống nhất để xác định theo tiêu chuẩn, đối tượng hỗ trợ. Nội dung chi hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác liên kết ghi thực hiện theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ, nhưng chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách hỗ trợ nên cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã khó triển khai.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhận định, từ năm 2019 đến 2022, số mô hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện được hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của HĐND thành phố còn ít, quy mô nhỏ, kinh phí hỗ trợ 3 năm mới đạt trên 2 tỷ đồng - rất thấp so với nhu cầu.

Những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ

Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện đầu tư các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Đặc biệt, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện để bảo đảm các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung (tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Chương Mỹ đến hết năm 2022 mới đạt 14,63%, so với chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU).

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn kiến nghị HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị quyết số 10/2018/ NQ-HĐND của HĐND thành phố. Trong đó, cần một số nội dung đề nghị sửa đổi và bổ sung các chính sách về hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; cho vay vốn dài hạn hơn để khuyến khích người dân đẩy mạnh đầu tư sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.

Để thúc đẩy các mô hình sản xuất, UBND huyện Phúc Thọ kiến nghị thành phố nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng từ 20% lên 50% đối với giống hoa lily và lan, từ 50% lên 70% đối với các giống cây trồng khác; bổ sung cây dược liệu vào Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14-6-2019 về việc ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn Hà Nội; bổ sung mục hỗ trợ vật tư khi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý tàn dư cây trồng, xử lý rơm, rạ sau thu hoạch. Đặc biệt, đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố, cụ thể là hỗ trợ di dời cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư.

Trong khi đó, huyện Thường Tín kiến nghị thành phố hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, đề xuất, kiến nghị của các huyện đã bám sát thực tế. Thời gian tới, Ban sẽ tổng hợp, làm việc với các sở, ngành liên quan của thành phố để tháo gỡ; đồng thời xem xét tham mưu xây dựng chính sách của HĐND thành phố kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.