(HNM) - Đấu giá quyền sử dụng đất là chủ trương được thành phố Hà Nội triển khai thời gian qua nhằm quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Hơn hết, đẩy mạnh hoạt động này còn giúp tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.
Mục đích đã rõ, song công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Theo kế hoạch năm 2019, Hà Nội đặt chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là hơn 15.972 tỷ đồng, nhưng đến nay đã gần hết tháng 11, kết quả mới đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, xấp xỉ 39%. Thời gian còn lại của năm 2019 không còn nhiều, rõ ràng việc hoàn thành mục tiêu kế hoạch là vô cùng khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, dẫn đến việc thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chưa đạt kế hoạch. Về chủ quan, quy định, thủ tục hoàn thiện hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn kéo dài và phức tạp; có thủ tục thay đổi, buộc địa phương phải cập nhật, bổ sung; cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Ở một số địa phương, công tác khảo sát chọn địa điểm chưa phù hợp, không bám sát nhu cầu thị trường, nên không thu hút tổ chức, cá nhân tham gia...
Về khách quan, thị trường bất động sản không còn sôi động, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Thực tế, ở cả những địa phương vốn trước đây thị trường bất động sản có sức thu hút lớn, thì nay nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cũng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch dự kiến.
Những rào cản trên khiến công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của các địa phương cũng như toàn thành phố; tác động đến hiệu quả quản lý, sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2020, tổng diện tích đất Hà Nội dự kiến đưa ra đấu giá quyền sử dụng lên tới 677,36ha, thu về cho ngân sách khoảng 53.538,49 tỷ đồng. Vì thế, tập trung tháo gỡ mọi rào cản để đạt kết quả cao nhất là nhiệm vụ cấp thiết đang được UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương gấp rút thực hiện.
Từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo "nút thắt" thủ tục, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương chủ động trong lập, phê duyệt dự án, phê duyệt mức giá khởi điểm... Do đó, trước hết, các địa phương phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án, bảo đảm điều kiện sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Một bài học kinh nghiệm quan trọng được đúc rút từ những địa phương có kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cao là việc chọn vị trí, hoàn thiện hạ tầng, cung cấp thông tin được chuẩn bị kỹ lưỡng; cùng với đó là chọn thời điểm phù hợp, nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu thị trường.
Đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất có diện tích, quy mô lớn, UBND các quận, huyện, thị xã có thể tổ chức đấu giá từng phần sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh các dự án lớn, tiếp tục rà soát quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt phù hợp quy hoạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng.
Với những giải pháp trên, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội sẽ sớm phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần làm giảm tình trạng đầu cơ đất đai, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn vốn cho ngân sách của địa phương cũng như thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.