Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

Lam Giang| 25/04/2023 15:57

(HNMO) – Doanh nghiệp cần được hỗ trợ giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển xanh; hỗ trợ về lãi suất, nguồn vốn tín dụng cho thu mua phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hồi phục sản xuất. Đó là kiến nghị được đưa ra tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25-4, tại thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu quý I-2023 của cả nước đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ giảm 19,4%; sang thị trường châu Âu giảm 9,7%; sang thị trường châu Á giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022... Một số ngành hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện giảm 9,3%; hàng may mặc giảm 17,7%; xơ sợi dệt giảm 35%...

Nguyên nhân là do lạm phát tại các thị trường tăng cao, sức mua sụt giảm; doanh nghiệp khó chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí nhân công, vận chuyển… tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đại diện ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là với các quốc gia trong khối CPTPP và EVFTA; đồng thời, có gói vay ưu lãi suất 0% cho doanh nghiệp để trả lương cho công nhân. Gói vay này áp dụng cho những doanh nghiệp có phương án trả nợ tốt, đã hoàn trả xong khoản vay trước và nâng lên 6 tháng lương cơ bản, thay vì 3 tháng lương như vừa qua.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu kiến nghị tại hội nghị.

Về trung, dài hạn, ông Tùng đề nghị hỗ trợ các dự án xanh hoá như: Giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, chuyển đổi số trong ngành dệt may… để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Nhà nước cần giảm 2% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nêu thực tế, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản không có nguồn vốn để mua nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, ngư dân, trong khi nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả. Lãi suất vay USD tăng từ 2,1-2,3% lên hơn 4%. Từ đó, ông Nam kiến nghị, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, giúp nông dân duy trì sản xuất.

Đại diện các hiệp hội, ngành hàng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng cho sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới.

Các kiến nghị đã được Bộ Công Thương tổng hợp, đưa ra các giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.