Ngày 21-9, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN và PTNT Hà Nội) phối hợp UBND huyện Phúc Thọ tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông.
Diễn đàn có sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho các nông hộ, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện cùng đội ngũ cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ, huyện Phúc Thọ có gần 7.000ha đất nông nghiệp, chiếm 58,5% tổng diện tích đất tự nhiên, phân chia thành 2 vùng bãi và vùng đồng. Thời gian qua, huyện chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, coi đây là bước đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.
Đến nay, huyện đã phát triển được vùng trồng 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả; 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao; 3.063ha lúa chất lượng cao; xây dựng, phát triển 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp.
Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như: Bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú…
Thời gian tới, Phúc Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác; khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn…
Tại diễn đàn, các hộ nông dân, hợp tác xã được nghe các nhà khoa học trao đổi thông tin, kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải; trang bị thêm kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, Diễn đàn nhịp cầu nhà nông không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu chính sách của nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì phải bảo đảm an toàn. Việc tiếp thu và vận dụng tốt thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.