An toàn thực phẩm

Kiểm soát an toàn thực phẩm qua chuỗi liên kết

Quỳnh Dung 02/09/2023 - 18:13

Bộ NN&PTNT đang hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ rau, thịt. Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường. Ngoài ra, việc xây dựng chuỗi liên kết còn giúp các ngành chức năng trong việc giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản bán trên thị trường.

rau-sach.jpg
Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ánh Ngọc

Hỗ trợ từ sản xuất đến chế biến sản phẩm

Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” ký kết triển khai hỗ trợ chuỗi giá trị rau và thịt lợn tại Hà Nội. Theo đó, các tác nhân chuỗi giá trị được lựa chọn tại Hà Nội, gồm: Cơ sở sản xuất ban đầu; sơ chế, phân phối, tiêu thụ sản phẩm; các cơ quan, tổ chức trong hệ sinh thái cộng đồng liên quan đến chuỗi giá trị được lựa chọn.

Trong giai đoạn đầu triển khai, dự án sẽ lựa chọn các tác nhân, gồm: Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm); chuỗi thịt từ Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai); chợ Văn Đức (huyện Gia Lâm); chợ Kim Quan, Thượng Thanh (quận Long Biên).

Ngoài hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm soát và cải thiện an toàn thực phẩm, các hợp tác xã điều hành sản xuất được hỗ trợ xây dựng hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng bộ quy chế và thành lập nhóm giám sát cộng đồng với thành phần là các nông dân giỏi, nhằm giám sát, quản lý, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất, sơ chế an toàn, đúng với các quy định của hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Điểm khác biệt trong hoạt động triển khai của dự án là có sự tham gia của toàn bộ hệ sinh thái cộng đồng (trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học; Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, tổ dân phố, Ban Quản lý chợ...). Các nội dung hỗ trợ được triển khai qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị; giai đoạn 2, hỗ trợ và kiểm chứng mô hình; giai đoạn 3, tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình. Thời gian hỗ trợ của dự án dự kiến đến năm 2025.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, tham gia chuỗi này rất có ý nghĩa với hợp tác xã cùng các thành viên, bởi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, vừa cải tạo đất, vừa bảo đảm môi trường và sức khỏe của người sản xuất được cải thiện. Các sản phẩm rau cũng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, là 1 trong 2 thành phố lớn nhất cả nước, được Chính phủ Canada tài trợ thông qua Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”, Hà Nội không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn, mà còn hướng tới chuỗi giá trị bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh với các tỉnh, thành phố trong mối liên kết. Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 926 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường...

Cần sự tham gia của cả xã hội

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế liên kết chuỗi của Hà Nội hiện nay đã khẳng định doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định tính bền vững.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long, việc tham gia chuỗi liên kết giúp hợp tác xã có kế hoạch sản xuất phù hợp và minh bạch được thông tin sản phẩm trên thị trường. Do đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ cho hợp tác xã về xây dựng hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cùng với đồng bộ hóa trang thiết bị để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Còn ông Nguyễn Văn Thuận (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường) cho rằng, để việc triển khai dự án hiệu quả và thiết thực, không thể thiếu sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ cấp cơ sở. Nếu chính quyền địa phương không đồng hành trong toàn bộ quá trình triển khai cũng như giám sát, nghiệm thu, sẽ không đem lại hiệu quả cao như mong đợi.

Cũng về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ an toàn thực phẩm là rất cần thiết, tránh được hiện tượng trên “nóng”, dưới không “nóng”. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm là hướng tới thực hiện mục tiêu kép, đó là bảo đảm sức khỏe người dân và phát triển bền vững.

Hiện tại, ngày càng có nhiều quy định của quốc tế và Việt Nam về vấn đề an toàn thực phẩm, nên phải kiểm soát từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường. Với sự hỗ trợ từ Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”, người tiêu dùng không chỉ tiếp cận được các mặt hàng rau, thịt an toàn, mà còn biết cách bảo quản, chế biến để bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình. Mặt khác, các tác nhân tham gia chuỗi sẽ xây dựng hệ thống tự kiểm và vận hành chuỗi giá trị rau, thịt có hiệu quả, qua đó giáo dục, truyền thông để xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn thực phẩm qua chuỗi liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.