Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người lao động thấy được lợi ích lâu dài

Hà Trang| 27/03/2023 06:39

(HNM) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bình quân mỗi năm cả nước có gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%. Riêng năm 2022 đã tăng lên gần 900.000 người và đáng lo ngại là trong quý I-2023 số người rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa giảm. Việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ có lợi ích trước mắt, nhưng để lại hệ lụy lâu dài.

Lý giải việc ngày càng nhiều người rời bỏ hệ thống an sinh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, lao động làm việc trong khu công nghiệp có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi mất việc làm, họ đối mặt với chi tiêu trước mắt nên nghĩ ngay tới rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là lao động trẻ, theo thống kê, nhóm từ 20 đến 40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác đó là chính sách bảo hiểm xã hội chưa thực sự hấp dẫn và cũng chưa tạo được niềm tin vững chắc để thu hút đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống.

Thực tế cho thấy, quỹ bảo hiểm xã hội là “của để dành” nhằm thực hiện an sinh khi người lao động không còn khả năng lao động, đây cũng là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội. Để hạn chế tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Đối với thành phố Hà Nội, nhìn lại mục tiêu cần thực hiện năm 2022, các chỉ tiêu về phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều đạt và vượt. Điều này góp phần bảo đảm an sinh bền vững cho người dân, từng bước củng cố vững chắc hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, để ngăn chặn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần đang lan ra trong cả nước, các sở, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND thành phố, trong đó quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, với mức hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo, thêm 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo… Bảo hiểm xã hội các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội; có giải pháp hỗ trợ cuộc sống cho người lao động, để họ không có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần, tạo niềm tin và giúp người lao động thấy được lợi ích lâu dài.

Không ai có thể trách hay ngăn cản người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là trong lúc mất việc, thiếu việc, đời sống khó khăn,... Thế nhưng, trên thực tế, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ có lợi trước mắt, giải quyết đời sống mang tính thời điểm, nhưng lại có hại lâu dài, nhất là khi người lao động hết tuổi lao động, nghỉ hưu, không còn khả năng lao động. Chính vì vậy, để giải quyết việc rút bảo hiểm xã hội một lần, cần sớm có những giải pháp đồng bộ để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người lao động thấy được lợi ích lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.