Thời gian qua, phát huy vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn Thủ đô, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường truyền thông chính sách, phổ biến rộng rãi các thay đổi về chính sách BHXH nhằm gia tăng quyền lợi của người tham gia.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.
Chủ động đối thoại, truyền thông chính sách BHXH
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về hiệu quả hoạt động tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật về BHXH do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện thời gian qua?
- Hội nghị Tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật về BHXH đối với đại diện người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác BHXH tại doanh nghiệp vừa được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức đầu tháng 10, thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trên địa bàn Thủ đô.
Không chỉ chủ động truyền thông chính sách BHXH, thông qua hoạt động đối thoại, giải đáp rất nhiều tình huống đặt ra từ thực tiễn, có thể khẳng định hội nghị đã đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố trong việc nắm bắt các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về chính sách BHXH, đặc biệt là khi Luật BHXH 2024 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Các quy định của pháp luật về BHXH có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về BHXH của người lao động và người sử dụng lao động, vì vậy, việc chủ động đối thoại, phổ biến, truyền thông chính sách BHXH càng có ý nghĩa quan trọng.
- Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong việc cải cách chính sách BHXH là “để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Điều này thể hiện ra sao trong nội dung điều chỉnh chính sách về BHXH năm 2024 và Luật BHXH 2024, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, những thay đổi chính sách BHXH gần đây là minh chứng cho thấy Nhà nước ta đã và đang từng bước hoàn thiện chính sách, gia tăng quyền lợi thực hiện chính sách của người tham gia BHXH với rất nhiều điểm ưu việt.
Đơn cử, với việc mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 2,34 triệu đồng, quyền lợi của người tham gia BHXH được gia tăng đáng kể.
Cụ thể: Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nuôi con nuôi từ 3,6 triệu đồng/con tăng lên thành 4,68 triệu đồng/con. Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1 lần (theo mức suy giảm khả năng lao động tăng từ 9 triệu đồng lên 11,7 triệu đồng nếu suy giảm 5%; sau đó cứ thêm 1% được hưởng thêm 1,17 triệu đồng, thay vì 900.000 đồng như trước đây. Mức hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tăng từ 540.000 đồng/ngày lên 702.000 đồng/ngày…
Với Luật BHXH 2024 được Quốc hội thông qua, đã có nhiều điều chỉnh bảo đảm quyền lợi cho người tham gia theo 5 nhóm chính sách lớn: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư theo nguyên tắc an toàn, bền vững hiệu quả.
Hà Nội: Nhiều chính sách hỗ trợ đóng BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về những giải pháp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang thực hiện nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực BHXH, tăng hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân?
- Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn chủ động phối hợp với cơ quan BHXH thành phố, các sở, ngành, địa phương tăng cường nhiều giải pháp, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi chính sách BHXH phù hợp với thực tế.
Đơn cử, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, cùng với mức hỗ trợ đóng do Chính phủ hỗ trợ, Hà Nội hỗ trợ thêm tiền đóng cho người dân có đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn từ 1-8-2022 đến hết ngày 31-12-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 của HĐND thành phố Hà Nội bằng với mức hỗ trợ đóng do Chính phủ quy định. Cụ thể: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Hay như mới đây, HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND, trong đó quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia BHXH, BHYT sẽ được hỗ trợ đóng BHXH mức 234.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ đóng BHYT mức 54.000 đồng/người/tháng…
- Có thể nói những chính sách đặc thù này đã góp phần gia tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH, khích lệ nhiều người tham gia BHXH hơn, thưa ông?
- Thực tế đã chứng minh chính sách gắn liền với thực tiễn chắc chắn góp phần phát huy hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo số liệu mới nhất tính đến cuối tháng 9 năm 2024 của BHXH thành phố Hà Nội tổng hợp, số người tham gia BHXH bắt buộc tại Hà Nội là hơn 2,1 triệu người, tăng 104.698 người so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 96.068 người (chưa bao gồm các trường hợp đang bảo lưu), tăng 17.700 người so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, Hà Nội đang thuộc tốp đầu các địa phương có nhiều người tham gia BHXH.
- Từ nay đến cuối năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung các nhiệm vụ gì để công tác quản lý nhà nước về BHXH tiếp tục phát huy hiệu quả?
- Sở tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan BHXH thành phố, các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện tốt chính sách BHXH trên địa bàn thành phố.
Trong đó, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chức năng quản lý nhà nước về BHXH trên địa bàn. Đồng thời, chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng tài liệu tuyên truyền chính sách mới về BHXH, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động dễ tiếp cận, biết đến những thay đổi, điểm mới của Luật BHXH 2024.
Cùng với đó là theo dõi, nắm bắt kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách BHXH, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH 2024.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với BHXH thành phố rà soát, lựa chọn các đơn vị chậm đóng BHXH để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025.
- Trân trọng cảm ơn ông !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.