LTS: Trở về đời thường sau chiến tranh, với kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng, các cựu chiến binh Thủ đô hôm nay tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, giữ vững niềm tin, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Họ đang mang hết tinh thần, trí tuệ, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và cùng giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xứng đáng với truyền thống “trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Xác định nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ vững sự ổn định chính trị của Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ số một nên các cựu chiến binh trên địa bàn thành phố đã và đang có nhiều đóng góp thiết thực trên “mặt trận” mới để xây dựng quê hương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xung kích vào việc khó
Huyện Sóc Sơn có hơn 4.000 hội viên cựu chiến binh là đảng viên, trong đó có 732 hội viên đang tham gia các cấp ủy Đảng. Hội Cựu chiến binh huyện xác định, phải xây dựng lực lượng nòng cốt cùng các ngành, đoàn thể chủ động nắm bắt, xung kích vào việc khó, giải quyết kịp thời những bức xúc, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Quý cho biết: “Mỗi xã, thị trấn đều cử 30 hội viên cựu chiến binh tham gia vào đội tự quản và được công an bồi dưỡng nghiệp vụ. Khi địa phương xảy ra vụ việc, đây sẽ là lực lượng chính sẵn sàng tham gia tuyên truyền, giải tán các điểm tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự".
Với cách làm này, thời gian qua, những chiến sĩ, sĩ quan năm xưa đã cùng chính quyền giải quyết được nhiều điểm nóng trên địa bàn huyện. Điển hình như năm 2018, khi xảy ra vụ cháy chợ Sóc Sơn, lợi dụng bức xúc của tiểu thương, các thành phần cơ hội đã kích động, lôi kéo, tổ chức khiếu kiện dài ngày, tạo nên điểm nóng về an ninh chính trị; hay như việc người dân 3 xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn rào làng, ngăn cản xe đổ rác thải vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn vào giữa năm 2019, Hội Cựu chiến binh huyện Sóc Sơn đã cùng các ngành, đoàn thể của huyện vận động, tuyên truyền, thuyết phục xử lý thành công các vụ việc này.
Là địa bàn có nhiều tướng lĩnh quân đội nghỉ hưu sinh sống, quận Ba Đình đã phát huy thế mạnh này trong việc huy động các cựu chiến binh tham gia bảo vệ Đảng, chính quyền. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình Trần Xuân Vững cho biết: “Không chỉ huy động hội viên tham gia tuyên truyền, giải tán đám đông mỗi khi có khiếu kiện, tụ tập đông người mà với lợi thế sẵn có, Hội Cựu chiến binh quận còn thường xuyên mời các đồng chí có kinh nghiệm nói chuyện chuyên đề nhằm đấu tranh, phê phán quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo để chống phá Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Trong khi đó, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng, xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) lại bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ bằng cách mở Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Nhiều năm qua, bảo tàng do ông Lâm Văn Bảng làm giám đốc đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thanh niên Thủ đô và cả nước.
Xứng đáng là điểm tựa của Đảng
Thành phố Hà Nội hiện có 11.871 cựu chiến binh được bầu vào cấp ủy các cấp; 42.497 hội viên đang tham gia công tác trong hệ thống chính trị của thành phố cùng hàng nghìn hội viên giữ các cương vị chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, nhà trường. “Đây là lực lượng rất quan trọng trực tiếp tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền ở cơ sở, thực sự là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp”, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Phùng Đình Thảo khẳng định.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, những năm qua, Hội Cựu chiến binh thành phố đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức 81 lớp tập huấn cho gần 20.000 cán bộ, hội viên cựu chiến binh về công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật. Đặc biệt, cựu chiến binh Thủ đô đã xuất bản 30 đầu sách, viết hơn 400 bài báo phản bác các quan điểm sai trái, chống chế độ và đòi phi chính trị hóa quân đội, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân Thủ đô đối với chế độ. Cùng với đó, Hội Cựu chiến binh một số địa phương như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Sóc Sơn, Tây Hồ… đã lựa chọn những cán bộ, hội viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng công tác làm nòng cốt trực tiếp đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái thông qua các bài viết, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện sự trung thành với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Vũ Hữu Dũng cho biết: "Các tổ, đội “Cựu chiến binh dân vận khéo”, “Ứng trực nhanh” được thành lập tại nhiều địa phương đã góp phần tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc chia rẽ đoàn kết, kích động biểu tình, tạo cớ gây bạo loạn lật đổ". Hội Cựu chiến binh còn phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh làm tan rã hoặc vô hiệu hóa một số tổ chức tự thành lập, góp phần ngăn chặn, không để mất ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Luôn tìm tòi để đổi mới cách làm cho phù hợp với thực tế, các cựu chiến binh Thủ đô đang là những tấm gương điển hình trong xây dựng Đảng, chính quyền và trong các hoạt động ở cơ sở, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng vững mạnh.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.