Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ thế chủ động

Thiện Mỹ| 27/10/2020 06:19

(HNM) - Từ nay đến cuối năm 2020 là thời điểm thị trường tiêu dùng bước vào thời kỳ sôi động. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội đã chủ động thúc đẩy sản xuất, tăng dự trữ, phân bổ hàng hóa cũng như đẩy mạnh kết nối giao thương để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh việc duy trì hoạt động ổn định của 455 chợ, 1.700 cửa hàng tiện lợi..., thành phố cũng sớm triển khai kế hoạch bình ổn thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; cung cấp danh sách 2.156 địa điểm để doanh nghiệp thuê kho bãi, thiết lập điểm bán hàng lưu động...

Cùng với đó, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã lên kịch bản chủ động nguồn cung, tăng dự trữ, sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến. Ngoài những nhóm hàng thiết yếu được chuẩn bị đầy đủ, các doanh nghiệp còn dành hàng trăm tỷ đồng cho việc dự trữ những mặt hàng đặc thù trong dịp Tết như: Bia, nước giải khát, đồ gia dụng...

Song song với việc chuẩn bị hàng hóa, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng cũng được đẩy mạnh. Cuối tuần qua (tối 23-10), tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) đã diễn ra chương trình “Tuần hàng Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” thu hút 100 gian hàng tham gia, giúp người tiêu dùng biết thêm các thương hiệu hàng Việt Nam, từ đó tích cực mua sắm hàng nội địa.

Tuy dự báo có thể tăng khoảng 10-15% so với năm trước, nhưng đến lúc này có thể khẳng định, nhu cầu hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của người dân Thủ đô sẽ được đáp ứng đầy đủ. Dù vậy, cơ quan quản lý thị trường cũng như các doanh nghiệp sản xuất, phân phối vẫn cần chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng huy động thêm nguồn lực để giữ thế chủ động trước mọi biến động của thị trường.

Hà Nội là địa bàn tiêu thụ hàng hóa lớn, lại có kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng dịch Covid-19 cũng như mưa lũ ở miền Trung ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả hàng hóa. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng... Thêm sự hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện duy trì sản xuất, tăng năng lực cung ứng hàng, đủ sức tạo sự ổn định cho thị trường.

Đó là xét tầm vĩ mô và trên bình diện lớn, còn riêng với hệ thống doanh nghiệp cung ứng cho thị trường Hà Nội, cần có kế hoạch cặn kẽ trong việc phân bổ, điều tiết hàng hóa giữa các khu vực. Đặc biệt, phải dự báo sát nhu cầu của người dân cũng như khả năng đáp ứng những mặt hàng còn khan thiếu để chuẩn bị kỹ càng; rà soát việc tích trữ hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ dẫn đến tăng giá, tác động xấu đến thị trường.

Để góp phần thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam trong dịp Tết, cũng phải đẩy mạnh hơn việc quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, bán hàng khuyến mại, bình ổn giá... Những hoạt động này cần được tổ chức khoa học, tránh để hàng kém chất lượng trà trộn; tổ chức đều ở các vùng miền, đặc biệt ở khu vực nông thôn, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, bán hàng đúng giá niêm yết, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý. Việc bán hàng bình ổn giá phải được quản lý chặt chẽ, có giải pháp can thiệp kịp thời khi thị trường có dấu hiệu bất thường, không để người tiêu dùng bị trục lợi.

Giữ được thế chủ động trong cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, thị trường sẽ ổn định, góp phần bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ thế chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.