Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Gia Khánh| 28/09/2022 06:30

(HNM) - Trong thời gian dài giữ ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất điều hành. Sau động thái này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh lãi suất điều hành là nhằm ứng phó với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất dẫn đến mặt bằng tỷ giá toàn cầu xáo trộn. So với USD, tiền đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 4% (thời điểm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành).

Lãi suất huy động tăng chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tăng. Người đi vay sẽ không dễ chịu bởi chi phí sản xuất bị đẩy lên. Nhưng bên cạnh đó, nền kinh tế cũng phải giải bài toán lạm phát, ổn định vĩ mô. Để đồng tiền Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu và mặt bằng giá trong nước. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn. Sau các đợt tăng lãi suất của FED, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã tăng lãi suất.

Dù kiềm chế tốt lạm phát từ đầu năm 2022 đến nay, song nếu không chủ động ngăn chặn, hóa giải từ lúc này, trước sau lạm phát bên ngoài cũng lan tới Việt Nam. Dù mức mất giá của đồng tiền Việt Nam so với USD thuộc hàng thấp trên thế giới, song nếu không chủ động hóa giải, kinh tế vĩ mô có thể gặp phải những bất ổn khác lớn hơn. Nói cách khác, lúc này không thể cùng ổn định lãi suất và tỷ giá nên việc chọn tăng lãi suất đã được cân nhắc kỹ. Mức điều chỉnh tăng 1% lãi suất chắc chưa đủ tác động mạnh đến nền kinh tế, nhưng có thể hóa giải cú sốc từ bên ngoài. Quyết định chọn lãi suất hay tỷ giá lúc này chính là sự điều hành chủ động, linh hoạt, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế.

Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 22-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần chủ động nắm bắt tình hình, giữ vững bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Với tinh thần đó, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa hợp lý là giải pháp xuyên suốt, nhằm phản ứng nhanh chóng với tác động từ bên ngoài cũng như việc vận hành nền kinh tế bên trong. Thực tế, giải pháp điều hành này đã mang đến sự thành công trong nhiều năm qua.

Theo đó, dù lãi suất huy động tăng nhưng cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay. Giải pháp này được thực hiện thông qua kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất, kinh doanh để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch. Cùng với đó, gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách cần tiếp tục thúc đẩy nhanh hơn, với thủ tục thuận lợi hơn, nhằm tạo ra dòng vốn rẻ cho sản xuất, kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp, điều được kỳ vọng là duy trì tăng trưởng kinh tế. Có sức mua, hàng hóa được tiêu thụ, dòng tiền được luân chuyển. Vì thế, bản thân doanh nghiệp cũng phải quản trị tốt hơn, tiết giảm chi phí, để tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh, góp phần phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ ổn định kinh tế vĩ mô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.