Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ an ninh nông thôn từ cơ sở

Mai Hữu - Triệu Dương| 31/08/2020 06:37

(HNM) - Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, số lượng các vụ phạm pháp hình sự, trọng án xảy ra tại khu vực nông thôn của Hà Nội có dấu hiệu gia tăng. Ngăn chặn, đẩy lùi những yếu tố có thể gây mất an ninh, trật tự tại khu vực nông thôn ngay từ cơ sở là giải pháp mà các cơ quan chức năng của thành phố đã và đang tập trung thực hiện.

Công an xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) nhắc nhở một trường hợp kinh doanh bảo đảm trật tự đô thị.

Nhiều diễn biến phức tạp

Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 21 vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở địa bàn khu vực nông thôn, chiếm khoảng 42% tổng số vụ trọng án xảy ra trên toàn thành phố. Đáng chú ý, có đến gần 96% các vụ án giết người xuất phát từ nguyên nhân xã hội.

Thực tế, nhiều án mạng đau lòng xảy ra chỉ từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, mâu thuẫn giữa những người là hàng xóm, từng “tối lửa tắt đèn có nhau”, thậm chí xảy ra trong một gia đình. Như vụ án xảy ra ngày 2-7 vừa qua, chỉ từ mâu thuẫn, xô xát trong tiệc rượu, Trần Trung Bình (sinh năm 1978, ở huyện Chương Mỹ) đã dùng dao hạ sát một người sống cùng địa phương.      

Phân tích về tình trạng này, Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trưởng Công an huyện Hoài Đức cho rằng, việc để xảy ra những vụ trọng án tại địa bàn nông thôn, bên cạnh yếu tố từ những "mặt trái" của quá trình phát triển thì còn phải kể đến lý do là công tác nắm tình hình tại cơ sở của lực lượng chức năng chưa kịp thời. Đồng thời, công tác hòa giải tại nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.

Ngoài việc gia tăng các vụ trọng án, nếu như trước đây tệ nạn ma túy chỉ tập trung ở các vùng đô thị thì giờ đây, ma túy đã len lỏi cả về làng quê. Thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) cho thấy, thành phố hiện chỉ còn 4 xã không có tệ nạn ma túy. Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Công an xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) cho biết, từ tệ nạn ma túy có thể dẫn đến các loại tội phạm như trộm cắp, cướp giật, “tín dụng đen”, mua bán trái phép chất ma túy…, gây mất ổn định an ninh, trật tự nông thôn.

Không chỉ vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 21 vụ giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi thì hầu hết xảy ra ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, nhiều đối tượng tội phạm đã cấu kết thành băng nhóm, tập trung đông người, sử dụng hung khí nguy hiểm như kiếm, mã tấu để gây án, gây lo lắng cho người dân…

Những diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự trong thời gian qua đòi hỏi các lực lượng chức năng địa phương phải giải quyết từ gốc rễ vấn đề, ngăn chặn từ khi vụ việc mới manh nha.

Triển khai các giải pháp căn cơ

Công an xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) thu thập dữ liệu dân cư trên địa bàn (ảnh chụp đầu tháng 7-2020). Ảnh: Dương Hiệp

Để bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, đã có nhiều giải pháp được triển khai từ cơ sở. Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng Công an xã Khánh Thượng (xã miền núi thuộc huyện Ba Vì) cho biết, Công an xã đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã xây dựng mô hình “Dòng họ giữ an ninh trong các thôn bản”. Trong đó, mỗi dòng họ đều có một tổ bảo đảm an ninh, trật tự do trưởng dòng họ đứng đầu. Mỗi khi có xảy ra mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các tổ này đứng ra hòa giải, khuyên răn con cháu nên tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội đã giảm hẳn. Bên cạnh đó, Công an xã cũng triển khai các hoạt động giúp đỡ nhân dân trong xây dựng kinh tế, thu thập dữ liệu dân cư…

Bà Nguyễn Thị Luyện (thôn Khánh Chúc Đồi, xã Khánh Thượng) cho biết: "Chúng tôi rất tin tưởng khi lực lượng công an và cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, nhờ đó tình hình an ninh, trật tự tại thôn, bản luôn được giữ vững".

Gắn công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn với việc hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) Trần Văn Nam cho biết, để tiếp tục xây dựng và phấn đấu đạt các chỉ tiêu về nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã đã xác định giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025.

Cũng từ nghị quyết đại hội Đảng bộ địa phương, Thiếu tá Ngô Xuân Thái, Trưởng Công an xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) cho biết, đơn vị đã có sáng kiến tuần tra đêm, công khai số điện thoại đường dây nóng bằng hình thức niêm yết trên 5km đê sông Hồng giáp với địa bàn tỉnh Hà Nam để phòng ngừa trộm cắp, cướp giật trên các tuyến đê.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, biện pháp hiệu quả nhất là phải có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ cấp xã đến thôn, bản. Trong đó, việc xây dựng và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần được đặt lên hàng đầu để phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn từ khi manh nha. “Lực lượng Công an xã cũng phải tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời dựa vào nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Đại tá Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ an ninh nông thôn từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.