(HNM) - Vụ bê bối làm rúng động chính trường Hàn Quốc ngày càng căng thẳng hơn khi nhiều cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức.
Hàng triệu người dân Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình kêu gọi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. |
Để có được quyết định luận tội của Quốc hội gồm 300 ghế, thì cần ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ, tức là 200 thành viên. Giới truyền thông Hàn Quốc cho biết, các đảng đối lập, độc lập cánh tả và các nghị sĩ chống đối bà Park Geun-hye ngay trong đảng cầm quyền Saenuri có thể liên kết với nhau để đủ hơn 200 phiếu. Sinh mệnh chính trị của nữ Tổng thống càng trở nên mong manh hơn khi sự chia rẽ trong nội bộ đảng Saenuri cầm quyền mỗi lúc một nghiêm trọng.
Trong đó, 8 thành viên cấp cao trong chính đảng này đã nhóm họp và nhất trí kêu gọi Tổng thống Park Geun-hye từ chức và cho rằng điều này sẽ tốt hơn so với việc bị luận tội. Nếu như vậy, bà sẽ bị tước bỏ ngay lập tức các quyền lập hiến cho đến khi Tòa án Hiến pháp quyết định về số phận của bà. Thủ tướng, nhân vật số 2 trong Chính phủ, sẽ đảm nhận các trách nhiệm của Tổng thống, kể cả vai trò Tổng Tư lệnh quân đội gồm 630.000 quân.
Trước đó, cơ quan công tố đã công bố một số kết luận điều tra sơ bộ vụ bê bối chính trị làm rúng động chính trường nước này. Theo đó, Tổng thống Park Geun-hye bị nghi ngờ có vai trò đáng kể trong vụ việc và sẽ bị điều tra. Cơ quan công tố đã chính thức truy tố bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống và cũng là nhân vật chính trong cuộc điều tra vụ bê bối này, vì lợi dụng mối quan hệ thân thiết trên để gây sức ép với các doanh nghiệp lớn, trong đó có Samsung, buộc họ đóng góp khoảng 80 tỷ won (68 triệu USD) vào 2 quỹ phi lợi nhuận là Quỹ Mir và Quỹ K-Sports, gian lận trong việc tìm cách chuyển tiền từ một trong 2 quỹ trên sang công ty riêng của bà.
Cựu Cố vấn điều phối chính sách Phủ Tổng thống Ahn Chong-bum bị cáo buộc thông đồng với bà Choi Soon-sil trong quá trình trên, trong khi cựu Thư ký của Tổng thống Jeong Ho-seong bị cáo buộc chuyển giao các tài liệu của Chính phủ và Tổng thống cho bà này. Việc điều tra sẽ bắt đầu vào tháng tới và sẽ kéo dài 4 tháng. Tuy nhiên, đại diện pháp lý của Tổng thống đã bác bỏ kết quả điều tra của công tố viên trong khi Phủ Tổng thống cho rằng một cuộc điều tra độc lập sẽ giúp làm sáng tỏ những cáo buộc chống lại bà.
Hiện sự ủng hộ của dân chúng dành cho bà Park Geun-hye đã rơi xuống 4%, mức thấp kỷ lục đối với một vị Tổng thống sau 3 tuần liên tiếp chỉ ở mức 5%. Trong khi đó, tỷ lệ phản đối bà đã lên tới đỉnh điểm 93%. Những nỗ lực xử lý khủng hoảng của chủ nhân Nhà Xanh, gồm cả hai lời xin lỗi công khai trong vòng hai tuần, đã không dập tắt được cơn giận dữ rộng khắp của người dân. Các cuộc tuần hành vào dịp cuối tuần qua yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức hoặc phải ra hầu tòa đã gia tăng về số lượng, thu hút thêm khoảng 1 triệu người so với 2 tuần trước đó. Đây đã là tuần thứ 5 liên tiếp bà Park phải đối mặt với các cuộc biểu tình được xem là lớn nhất tại Hàn Quốc trong hàng chục năm trở lại đây.
Trước sức ép dư luận ngày càng gia tăng, ngày 29-11, Tổng thống Park Geun-hye đã đề nghị Quốc hội đưa ra lộ trình để bà từ bỏ quyền lực. Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo xứ Kim chi khẳng định sẽ để cho Quốc hội quyết định về tương lai chính trị của bà, bao gồm cả việc rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống. Trong bối cảnh này các nhà phân tích cho rằng, dù bà Park Geun-hye có từ chức ngay lập tức hay không, thì cuộc khủng hoảng này cũng đe dọa làm tê liệt Chính phủ Hàn Quốc trong nhiều tháng, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế nước này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.