Thế giới

Chính trường Bolivia: Bất ổn còn tiềm ẩn

Quỳnh Dương 28/06/2024 - 22:04

Âm mưu đảo chính quân sự tại Bolivia xảy ra vào ngày 27-6 đã nhanh chóng bị dập tắt chỉ sau ít giờ. Song, khủng hoảng kinh tế, chia rẽ chính trị vẫn như con sóng ngầm có thể đe dọa sự ổn định của quốc gia Nam Mỹ này bất kỳ lúc nào.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2025, cạnh tranh quyền lực ngay trong nội bộ đảng cầm quyền đang tạo nên một kịch bản phức tạp cho đất nước có hơn 12 triệu dân.

2(2).jpg
Tổng thống Bolivia Luis Arce chào những người ủng hộ sau cuộc đảo chính bất thành. Ảnh: DAWN.

Nhiều ý kiến cho rằng, từ diễn biến của cuộc đảo chính có thể thấy, Tổng thống Luis Arce vẫn nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân Bolivia. Vì vậy, đây được xem như một “phép thử” về uy tín đối với nhà lãnh đạo 61 tuổi khi nền kinh tế suy yếu và sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc. Người dân Bolivia phải gánh chịu sức ép ngày càng gia tăng của tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát phi mã và khan hiếm ngoại tệ - một “bức tranh” trái ngược so với thập kỷ trước mà nhiều người vẫn gọi là “phép màu kinh tế”.

Vào đầu những năm 2000, ông Luis Arce, từng học ngành kinh tế tại Anh đã lập kế hoạch giúp ông Evo Morales đắc cử tổng thống năm 2005 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế từ năm 2006 đến 2019. Không ít người gọi ông Luis Arce là “kiến trúc sư của điều kỳ diệu Bolivia" khi kinh tế tăng trưởng vượt bậc, hơn 4% mỗi năm trong giai đoạn này, giúp nhiều người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Bolivia đã xây dựng hệ thống cao tốc, cáp treo, giúp các thành phố phát triển.

Nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế được cho là bắt đầu từ năm 2014, khi chính phủ của Tổng thống Evo Morales sử dụng dự trữ ngoại tệ, tiếp đó là dự trữ vàng để duy trì chi tiêu công. Đến năm 2019, dấu hiệu khủng hoảng trở nên rõ ràng hơn khi ông Evo Morales tranh cử nhiệm kỳ thứ 4, một hành động trái với Hiến pháp.

Ngay sau khi ông đắc cử trong cuộc bỏ phiếu được các quan sát viên độc lập đánh giá là có nhiều điều bất thường, sự bất mãn trong dân chúng nhanh chóng bùng phát trở thành cuộc đối đầu bạo lực trên đường phố. Bolivia lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng dẫn tới việc Tổng thống Evo Morales phải tuyên bố từ chức sau 14 năm cầm quyền và sang Mexico và Argentina tị nạn chính trị.

Cuộc bầu cử vào năm 2020 đã đưa ông Luis Arce lên nắm quyền tổng thống. Tuy nhiên, nền kinh tế Bolivia, vốn bị tổn thương sau khủng hoảng chính trị và những bước đi thiếu chắc chắn trước đó, tiếp tục phải hứng chịu đòn giáng mạnh do đại dịch Covid-19.

Năm 2023, ông Evo Morales trở về nước và tuyên bố kế hoạch tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2025-2030. Động thái này đã chia rẽ đảng Phong trào tiến lên Chủ nghĩa xã hội (MAS) cầm quyền thành hai phe, một bên ủng hộ Tổng thống Luis Arce, một bên đứng về phía ông Evo Morales.

Từ đồng minh thân cận, giờ đây, ông Evo Morales và Tổng thống Luis Arce trở thành đối thủ chính trị, sử dụng mọi biện pháp nhằm “hạ bệ” lẫn nhau khiến nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tê liệt.

Theo các nhà bình luận, ông Evo Morales vẫn nhận được sự ủng hộ đáng kể từ nông dân trồng coca và công nhân công đoàn sẵn sàng mở ra một cuộc chiến gay cấn để giành quyền kiểm soát MAS.

Tại Quốc hội, các đồng minh của ông Evo Morales đã liên tục ngăn cản nỗ lực của Tổng thống Luis Arce nhằm giảm áp lực nợ. Chính phủ Bolivia đã ký thỏa thuận với một số công ty nước ngoài để khai thác trữ lượng lithium khổng lồ của nước này nhằm bù đắp khoản thiếu hụt ngoại tệ. Đây là kim loại thường được dùng trong pin xe điện, điện thoại và máy tính xách tay. Tuy nhiên, Quốc hội Bolivia còn bất đồng và chưa phê duyệt thỏa thuận nào.

Hiện tại, sản lượng xăng dầu không còn đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bolivia phải nhập khẩu 86% nguồn cung dầu diesel và 56% xăng. Các hộ gia đình chật vật ứng phó với giá cả leo thang. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, kinh tế Bolivia năm nay tăng trưởng chỉ 1,6%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới hạ bậc trái phiếu chính phủ Bolivia xuống mức "rác". Nền kinh tế lao dốc có thể là nguyên nhân làm bất ổn xã hội gia tăng khiến nước này đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng kép. Bằng chứng là, các cuộc biểu tình liên tục gia tăng những tháng gần đây.

Từ một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất lục địa cách đây hai thập kỷ, giờ đây, Bolivia phải đối mặt với nhiều vấn đề khủng hoảng nhất.

Ông Benjamin Gedan, Giám đốc Chương trình châu Mỹ Latinh tại Trung tâm Wilson nhận định: “Với việc ông Evo Morales sắp ra ứng cử, đảng cầm quyền chia rẽ và nền kinh tế hỗn loạn, Bolivia rõ ràng đang trong tình thế rất nguy hiểm”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Bolivia: Bất ổn còn tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.