Thế giới

Chính trường Nhật Bản tồn tại nhiều khác biệt: Tìm cách hài hòa lợi ích

Hoàng Linh 13/11/2024 - 06:40

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tái đắc cử giữa lúc liên minh cầm quyền của ông mất thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử.

Điều này đồng nghĩa chính phủ thiểu số của đảo quốc Mặt trời mọc tới đây sẽ phải tìm cách cân đối, hài hòa lợi ích các bên để vượt qua muôn vàn rào cản, thách thức nếu muốn thúc đẩy các chương trình nghị sự và chính sách của mình.

japan.jpg
Một phiên họp của Quốc hội Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh là đảng Công minh (Komeito) đã không thể kiểm soát Hạ viện đầy quyền lực của Nhật Bản trong cuộc bầu cử ngày 27-10. Số ghế do LDP và Komeito nắm giữ đã giảm từ 288 xuống còn 215, đánh dấu lần đầu tiên trong 15 năm mất quyền kiểm soát đa số. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), phe đối lập chính, có số ghế tăng từ 98 lên 148.

Tuy nhiên, cả liên minh do LDP lãnh đạo và CDPJ đều không đạt được mốc đa số là 233 ghế. Riêng Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP) do ông Yuichiro Tamaki lãnh đạo đã tăng gấp bốn lần số ghế lên con số 28.

Điều này có nghĩa là, Thủ tướng Ishiba Shigeru tới đây phải điều hành một chính phủ thiểu số và chắc chắn những chính sách đưa ra trước đây rất có thể bị trì hoãn, thậm chí là khó thực hiện. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc nhượng bộ phe đối lập để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị của mình. Trong khi đó, dù LDP từ lâu đã thể hiện thái độ bất đồng sâu sắc đối với các yêu cầu của phe đối lập, nhưng tình thế khó khăn hiện tại buộc họ phải điều chỉnh, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào năm tới.

Khó khăn chưa dừng ở đó, khi giới quan sát còn chỉ ra những chia rẽ ngay trong các lực lượng chính trị và cho rằng, đây là yếu tố khiến việc thúc đẩy các chính sách qua Quốc hội Nhật Bản có thể bị đình trệ trong thời gian tới. Mới đây, lần đầu tiên trong ba thập kỷ và là lần thứ năm trong lịch sử Nhật Bản, Quốc hội nước này phải bỏ phiếu đến vòng thứ hai để xác định Thủ tướng. Ngay trong cuộc bỏ phiếu này, hai đảng đối lập lớn thứ hai và thứ ba trong Quốc hội đã không bắt tay bỏ phiếu cho ông Yoshihiko Noda, lãnh đạo CDPJ, mà thay vào đó bỏ phiếu cho lãnh đạo tương ứng của mình là ông Nobuyuki Baba và ông Yuichiro Tamaki.

Các đảng phái cũng có những khác biệt trong mục tiêu và hoạch định chính sách. Hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn tin Chính phủ cho biết, trừ khi Thủ tướng Ishiba Shigeru chấp nhận các yêu cầu của DPP, bao gồm giảm thuế tiêu thụ nhằm thúc đẩy chi tiêu tư nhân, đảng này sẽ không ủng hộ bất kỳ dự luật hoặc ngân sách nào mà LDP đệ trình lên Quốc hội trong tương lai.

Trước đây, DPP từng hứa sẽ tăng ngưỡng thu nhập để nộp thuế từ 1,03 triệu yên (6.700 USD) lên 1,78 triệu yên, nhưng cách tiếp cận này khiến Bộ Tài chính Nhật Bản dưới quyền đương kim Thủ tướng không hài lòng, dựa trên quan điểm đề xuất này sẽ làm giảm mức thu thuế hằng năm khoảng 7,6 nghìn tỷ yên. Trong khi đó, CDPJ đang quan tâm đến những cải cách làm trong sạch bộ máy chính trị sau vụ bê bối quỹ đen của LDP, với yêu cầu kỷ luật nghiêm minh đối tượng vi phạm.

Dĩ nhiên, cục diện chính trị Nhật Bản cũng có những điểm thuận lợi cho đương kim Thủ tướng và liên minh cầm quyền. Trong số đó có những điểm tương đồng mà LDP và các đối thủ có thể tận dụng để thỏa hiệp. Thủ tướng Ishiba Shigeru cho biết, LDP chia sẻ quan điểm với CDPJ và DPP về mục tiêu bảo đảm Nhật Bản là một quốc gia hòa bình và cải thiện đời sống của người dân. LDP cũng đã thảo luận với các đối tác về việc phối hợp xây dựng chính sách, một bước quan trọng hướng tới việc bảo đảm một chính phủ ổn định.

Một số ý kiến phân tích cũng cho rằng, Thủ tướng Ishiba Shigeru trong những tháng tới hoàn toàn có thể củng cố uy tín bằng việc tập trung giải quyết các vấn đề đối ngoại, thông qua việc tham dự các hội nghị quốc tế, đồng thời tìm kiếm một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Trong phiên họp sắp tới của Quốc hội, Nội các mới của Thủ tướng Ishiba Shigeru sẽ đối mặt với những thử thách đầu tiên, khi cả Ủy ban Ngân sách và Ủy ban Cải cách chính trị đều do các nhà lập pháp CDPJ đứng đầu. Lựa chọn duy nhất lúc này của Thủ tướng Ishiba Shigeru là phải thật sự mạnh mẽ để tiếp tục đảm nhận cương vị, tận dụng tối đa mọi yếu tố thuận lợi để cân đối, hài hòa lợi ích các bên, từng bước "chèo lái" Chính phủ vượt qua giai đoạn bất ổn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Nhật Bản tồn tại nhiều khác biệt: Tìm cách hài hòa lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.