(HNM) - Một tin vui đến với người yêu di sản dân tộc là Chủ tịch nước vừa ký ban hành các quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong đợt mới nhất cho 628 nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc. Cũng rất tự hào, khi lần này, Thủ đô Hà Nội có thêm 11 Nghệ nhân nhân dân và 54 Nghệ nhân ưu tú (nhiều nhất cả nước) được ghi danh vào “bảng vàng” của di sản dân gian.
Lâu nay, những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản luôn được tôn vinh và tôn trọng khi được ví như những “báu vật nhân văn sống”.
Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng các nghệ nhân, ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân dành cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát triển vốn quý di sản văn hóa của dân tộc.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện kể về những nghệ nhân tâm huyết với di sản, trải dài theo thời gian, để rồi làm nên một lớp người sáng tạo và cống hiến, hy sinh hết mình vì tinh hoa văn hóa dân tộc. Họ chính là “dòng chảy” lưu truyền những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc qua các thế hệ và cho đến mai sau. Với họ, danh xưng “nghệ nhân” là niềm tự hào, là sự vinh danh cho cả một đời cống hiến vì đam mê. Và hơn tất cả, những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú là “báu vật” không thể thay thế, bởi họ có vai trò lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau các vốn liếng văn hóa mà cộng đồng đúc kết sau bao nhiêu thế hệ…
Do đó, tri ân, gìn giữ, phát huy những “báu vật nhân văn sống” là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên không của riêng ngành Văn hóa. Những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú xứng đáng được nhận sự quan tâm của xã hội, của đất nước.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các cấp, ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục rà soát, không ngừng tìm kiếm, xác minh và trao tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng. Bởi, nếu chậm trễ trong việc này, chúng ta sẽ hối hận khi các “báu vật” ấy ra đi, kéo theo là một phần quá khứ và văn hóa dân tộc cũng mãi mãi không còn… Do vậy, những vấn đề cần chú trọng là tạo thuận lợi về hồ sơ và các thủ tục xét tặng; đặc biệt quan tâm đến những nghệ nhân không biết chữ (đa phần là người dân tộc thiểu số) hoặc không có đủ điều kiện sức khỏe (các nghệ nhân già yếu)…
Một vấn đề nữa cần được cơ quan quản lý chú trọng là công tác trao truyền. Ngoài vinh danh các nghệ nhân, việc gây dựng các thế hệ kế tục sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị di sản là rất quan trọng. Để làm tốt việc này, cần thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ nghệ nhân song hành với việc bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa dân gian. Nếu thực hiện tốt, các nghệ nhân và di sản văn hóa vừa là “kho báu” vừa là “chiếc cần câu”, là nguồn lực phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài của người dân, chính quyền địa phương và cả quốc gia.
Trong việc này, vai trò của lớp trẻ - những người kế cận bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng rất quan trọng. Với thế mạnh hiểu biết về khoa học kỹ thuật, công nghệ, thế hệ trẻ cần phát huy khả năng sáng tạo trong việc khai thác nguồn tài nguyên di sản quý báu và phát triển thành những sản phẩm hiệu quả đóng góp cho nền công nghiệp văn hóa.
Di sản cần có sự tiếp nối. Do đó, danh hiệu chỉ có giá trị khi đem lại những hiệu ứng cho thế hệ sau thêm động lực, sức mạnh tiếp bước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.